Monday, March 24, 2014

Đường đến Harvard đầy gian nan của cậu bé da đen nghèo khổ

 


Chuyện Cấm Cười - Theo Thùy An/Chí Linh Thời Mới

 
Murrah không phải nơi nhóm Ivy League tuyển sinh viên. Học sinh nghèo hiếm khi ứng tuyển vào những trường như thế. Nhưng không, Reginal vừa hoàn thành năm thứ nhất của mình tại Yale. Porter cũng vậy, anh vừa trải qua năm đầu đại học tại Harvard sau một cuộc hành trình gian nan.


Justin Porter và hành trình đến Harvard, ngôi trường của những gia tộc lừng danh nước Mỹ như Bush, Kenedy hay Romney.


Đúng như lời của tờ quảng cáo thật bóng bẩy đầy hứa hẹn, ngay từ phút đầu đặt chân lên khuôn viên trường Harvard vào mùa thu năm ngoái, tôi như được đến với một thế giới mới ngập tràn ánh sáng cùng sự hứng khởi.

Tôi được thảo luận với Larry Summers về việc trổi dậy của Trung Quốc khi nhâm nhi vài miếng pizza, tham gia khóa di truyền học do một trong những người đàn ông quyến rũ nhất tạp chí People đứng lớp (ám chỉ Keven Eggan) và ngồi dãy ghế đầu ngay trước nhà văn yêu thích của tôi, Atul Gawande trong một cuộc nói chuyện về sự khác biệt giữa huấn luyện và giảng dạy. Nhưng có lẽ năm thứ nhất vẫn là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời tôi.

Sinh ra và lớn lên cách đó 1.500 dặm trong một căn nhà nhỏ tại Jackson Mississipi, cuộc đời tôi chỉ có tôi và mẹ. Tôi có một người cha yêu thương nhưng hai người đã chia tay sau khi tôi sinh ra không lâu. 


Là con một nên tôi được mẹ dành cho tất cả tình thương. Mẹ làm việt cật lực để tôi không phải đụng đến công việc.



Truyền hình, nhạc rap, thậm chí chơi bóng rổ với trẻ con trong khu đồi đối với tôi là một điều xa vời. 



Đến tuổi thiếu niên, tôi có chút bất mãn nhưng rồi cũng biết trân trọng sự hy sinh vô bờ bến của mẹ: mẹ đưa tôi đến thư viện mỗi chiều, đèo bòng thêm nhiều công việc để có cái cho tôi ăn và hằng đêm kể chuyện cho tôi nghe trước giờ đi ngủ.


Mùa hè trước năm cuối Trung học, sau khi tuyên bố quyết định ứng tuyển vào một trường tại New England, tôi thấy có chút gì như do dự trong nụ cười ấm áp nở trên khuôn mặt mẹ. 


Tôi giả vờ như không thấy nhưng luôn bị nó ám ảnh rồi gắng viện ra đủ lý do để ra đi: nào là để chứng minh mình đã đủ cứng cỏi, nào là sợ phải đi theo con đường ít trở ngại nhất, rồi cả cảm giác muôn thuở của thanh thiếu niên khi bị gò bó. Nhưng nghe như có vẻ tôi là một kẻ nông cạn vô ơn.


Mặc dù vậy, tôi vẫn bắt đầu chuẩn bị cho việc ứng tuyển. Hồ sơ đầu tiên dành cho Harvard và khoảng gần chục các bộ khác cũng sẵn sàng. 


Tôi biết cơ hội được nhận vào Harvard không dành cho mình, chính trường tôi cũng chẳng giúp ích được nhiều vì tư vấn viên năm cuối đang hỗ trợ cho hằng trăm học sinh. 



Tôi đã đọc hàng đống cẩm nang chuẩn bị cho đại học. Một trong những bài học tôi rút ra từ đó là: cách nhanh nhất để giết chết một hồ sơ tiềm năng là bài luận văn cũ nhàm. 



“Tôi xin được kể về lúc tôi chiến thắng trong một cuộc đua tại thị trấn”. Tôi viết về sự căng thẳng đang gia tăng giữa khoa học và nhân văn mà bản thân mình nhận thấy.


Tôi tiết kiệm được khoản tiền phải chi cho các tư vấn viên đại học. Tôi tham gia tất cả các lớp chương trình AP (xếp lớp nâng cao) có thể chèn được vào thời gian biểu, 9 trong số 12 lớp là của trường Murrah. 


Tôi còn tham gia cuộc thi khoa học của các tiểu bang và quốc gia, đóng vai trò lãnh đạo cốt lõi với tư cách là biên tập viên báo trường, Chủ tịch phiên hiệu của Hội danh dự quốc gia Hoa Kỳ tại trường Murrah, lập một đội hùng biện cùng những người bạn thân nhất và dành thời gian rảnh làm gia sư Toán, tiếng Anh cho lũ trẻ cấp 1, cấp 2.


Đáp lại sự nhiệt thành ấy, tôi nhận được thông báo trúng tuyển Đại học Harvard đúng ba ngày trước sinh nhật. 


Đêm đó, sau những dòng tin nhắn và cái ôm chúc mừng, tôi ngồi một mình trong phòng và bật khóc.


Tôi thấy bị mắc kẹt giữa hai con đường trải ra trước mắt: một bên là những cơ hội vô tận: học bổng toàn phần, sự nghiệp thăng tiến, cơ hội đi chu du. 


Nhưng đổi lại, tôi sẽ hy sinh những gì? Hai mẹ con tôi chưa bao giờ ổn định về tài chánh và tương lai sẽ chẳng hề có phép lạ nào xảy ra. 



Cái nhìn do dự của mẹ tôi hôm nào, giống y hệt lần chúng tôi bị đuổi khỏi nhà. Chuyện gì sẽ xảy ra với mẹ nếu tôi đi mất? 



Vài tuần sau, mẹ bị sa thải, nỗi sợ hãi của tôi tăng lên gấp bội. Cảm giác tội lỗi vây lấy tôi. 



Vài tuần cuối năm cấp ba của tôi trôi qua trong nỗi lo lắng, nếu tôi đi, mẹ sẽ phải sống cuộc sống ăn không đủ, ngủ không lành và không còn ai bầu bạn nghe bà kể chuyện nữa. 



Tôi quyết định trì hoãn việc vào học. Mẹ bỏ ngoài tai những lời tôi nói: “Việc con được vào Harvard là thành công đáng tự hào của đời mẹ. Mẹ sẽ tự nguyền rủa chính mình nếu con từ bỏ nó.”


Tôi đã không từ bỏ.

Đầu năm nay, tôi vừa đọc một bài báo về việc các trường đại học hàng đầu thất bại trong việc thu hút sinh viên nghèo thế nào: một nghiên cứu của Stanford cho thấy chỉ vỏn vẹn 34% các học sinh giỏi trong nhóm thu nhập thấp nhất từng theo học một trong số 238 trường đại học hàng đầu của đất nước.



Tôi không tin việc tăng các khoản cứu trợ tài chính, in ấn quảng cáo bắt mắt sẽ thay đổi tình hình. Vì các nhân tố thực sự cản bước chúng tôi đã trở thành lối mòn, đó là nỗi sợ khi bước chân vào một môi trường lạ hoắc, cảm giác tội lỗi khi bỏ người thân ở lại một mình loay hoay với đống áp lực tài chính ngày một tăng và cả trách nhiệm phải đi làm để hổ trợ cuộc sống của gia đình. 



Tôi bị phân tâm ngay cả khi làm bài tập, tự vấn mình có vai trò gì ở nơi xa lạ này? Tôi bắt đầu nghĩ: “Mình là ai mà dám nghĩ bản thân thuộc về Harvard, nơi sinh ra những Bush Kennedy và Rommney? 



Có lẽ mình ngồi yên vị tại nơi của mình, Mississipy”.


Rồi những câu hỏi sau lại xuất hiện: Tại sao chúng lại là vấn đề, giấc mơ và động lực căn bản của mình là gì? (Liệu tôi có thực sự muốn trở thành bác sĩ?), thậm chí tôi còn xem xét cả về cơ cấu kinh tế, xã hội tôi đang vướng mắc. (Sinh viên Harvard thường dành mùa hè sau năm thứ nhất, để du lịch nước ngoài. 


Tôi đã bỏ qua một đợt thực tập ở Hy lạp. Thực tập có lương nhưng tôi không nghĩ mình có đủ khả năng xoay sở chi phí đi lại).


Trong suốt học kỳ, tôi đã thay đổi theo cách mình chưa bao giờ ngờ tới. 


Tôi nhìn sang những người bạn của tôi, một tập hợp những con người đam mê văn học, thiên tài khoa học, bậc thầy âm nhạc và thần đồng toán học, ai cũng đang khiêm tốn phấn đấu cho đỉnh cao trong lĩnh vực của mình. 



Họ truyền cảm hứng cho tôi và niềm hy vọng tương lai bắt đầu mơ hồ hiện ra.


Có lẽ tôi đã hiểu tại sao mẹ đã để tôi đi.


Harvard đã bắt tôi phải trưởng thành và nhìn nhận thẳng thắn vào cuộc sống cũng như chính bản thân.


Tôi sẽ không đánh đổi trải nghiệm trên vì bất cứ thứ gì.”


(Thùy An – Chí Linh Thời Mới)

Con Nhện ở miếu Quan Âm


 7 Amazing Caves to Visit with Your Kids before They Grow up ...


Chuyện Cấm Cười sưu tầm


Trước miếu Quan Âm mỗi ngày có vô số người tới thắp hương lễ Phật, khói hương nghi ngút. Trên cây xà ngang trước miếu có con nhện giăng tơ, mỗi ngày đều ngập trong khói hương và những lời cầu đảo, nhện dần có Phật tính. Trải nghìn năm tu luyện, nhện đã linh.

Một ngày, Đức Phật dạo đến ngôi miếu nọ, thấy khói hương rất vượng, hài lòng lắm. Lúc rời miếu, ngài vô tình ngẩng đầu lên, nhìn thấy nhện trên xà.

Phật dừng lại, hỏi nhện: "Ta gặp ngươi hẳn là có duyên, ta hỏi ngươi một câu, xem ngươi tu luyện một nghìn năm nay có thật thông tuệ chăng. Được không?"

Nhện gặp được Phật rất mừng rỡ, vội vàng đồng ý. Phật hỏi: "Thế gian cái gì quý giá nhất?"

Nhện suy ngẫm, rồi đáp: "Thế gian quý nhất là những gì không có được và những gì đã mất đi!". Phật gật đầu, đi khỏi.

Lại một nghìn năm nữa trôi qua, nhện vẫn tu luyện trên thanh xà trước miếu Quan Âm, Phật tính của nhện đã mạnh hơn.

Một ngày, Phật đến trước miếu, hỏi nhện: "Ngươi có nhớ câu hỏi một nghìn năm trước của ta không, giờ ngươi đã hiểu nó sâu sắc hơn chăng?"

Nhện nói: "Con cảm thấy trong nhân gian quý nhất vẫn là "không có được""đã mất đi" ạ!"

Phật bảo: "Ngươi cứ nghĩ nữa đi, ta sẽ lại tìm ngươi."

Một nghìn năm nữa lại qua, có một hôm, nổi gió lớn, gió cuốn một hạt sương đọng lên lưới nhện.

Nhện nhìn giọt sương, thấy nó long lanh trong suốt sáng lấp lánh, đẹp đẽ quá, nhện có ý yêu thích.

Ngày này nhìn thấy giọt sương nhện cũng vui, nó thấy là ngày vui sướng nhất trong suốt ba nghìn năm qua. Bỗng dưng, gió lớn lại nổi, cuốn giọt sương đi. Nhện giây khắc thấy mất mát, thấy cô đơn, thấy đau đớn.

Lúc đó Phật tới, ngài lại hỏi: "Nhện, một nghìn năm qua, ngươi đã suy nghĩ thêm chưa: Thế gian này cái gì quý giá nhất?"

Nhện nghĩ tới giọt sương, đáp với Phật: "Thế gian này cái quý giá nhất chính là cái không có được và cái đã mất đi."

Phật nói: "Tốt, nếu ngươi đã nhận thức như thế, ta cho ngươi một lần vào sống cõi người nhé!"

Và thế, nhện đầu thai vào một nhà quan lại, thành tiểu thư đài các, bố mẹ đặt tên cho nàng là Châu Nhi. Thoáng chốc Châu Nhi đã mười sáu, thành thiếu nữ xinh đẹp yểu điệu, duyên dáng. Hôm đó, tân Trạng Nguyên Cam Lộc đỗ đầu khoa, nhà vua quyết định mở tiệc mừng sau vườn ngự uyển.

Rất nhiều người đẹp tới yến tiệc, trong đó có Châu Nhi và Trường Phong công chúa. Trạng Nguyên trổ tài thi ca trên tiệc, nhiều tài nghệ khiến mọi thiếu nữ trong bữa tiệc đều đem lòng yêu. Nhưng Châu Nhi không hề lo âu cũng không ghen, bởi nàng biết, chàng là mối nhân duyên mà Phật đã đưa tới dành cho nàng.

Qua vài ngày, tình cờ Châu Nhi theo mẹ lên miếu lễ Phật, cũng lúc Cam Lộc đưa mẹ tới miếu. Sau khi lễ Phật, hai vị mẫu thân ngồi nói chuyện. Châu Nhi và Cam Lộc thì tới hành lang tâm sự, Châu Nhi vui lắm, cuối cùng nàng đã có thể ở bên người nàng yêu, nhưng Cam Lộc dường như quá khách sáo.

Châu Nhi nói với Cam Lộc: "Chàng còn nhớ việc mười sáu năm trước, của con nhện trên xà miếu Quan Âm chăng?"

Cam Lộc kinh ngạc, hỏi: "Châu Nhi cô nương, cô thật xinh đẹp, ai cũng hâm mộ, nên trí tưởng tượng của cô cũng hơi quá nhiều chăng?". Nói đoạn, chàng cùng mẹ chàng đi khỏi đó.

Châu Nhi về nhà, nghĩ, Phật đã an bài mối nhân duyên này, vì sao không để cho chàng nhớ ra chuyện cũ, Cam Lộc vì sao lại không hề có cảm tình với ta?

Vài ngày sau, vua có chiếu ban cho Trạng Nguyên Cam Lộc sánh duyên cùng công chúa Trường Phong, Châu Nhi được sánh duyên với thái tử Chi Thụ.

Tin như sấm động giữa trời quang, nàng không hiểu vì sao Phật tàn nhẫn với nàng đến thế.

Châu Nhi bỏ ăn uống, nằm khô nhắm mắt nghĩ ngợi đau đớn, vài ngày sau linh hồn nàng sắp thoát khỏi thân xác, sinh mệnh thoi thóp.

Thái tử Chi Thụ biết tin, vội vàng tới, phục xuống bên giường nói với nàng:

"Hôm đó, trong những cô gái giữa bữa tiệc sau vườn thượng uyển, ta vừa gặp nàng đã thấy yêu thương, ta đã khốn khổ cầu xin phụ vương để cha ta cho phép cưới nàng. Nếu như nàng chết, thì ta còn sống làm chi." Nói đoạn rút gươm định tự sát.

Và giây khắc ấy Phật xuất hiện, Phật nói với linh hồn sắp lìa thể xác Châu Nhi: "Nhện, ngươi đã từng nghĩ ra, giọt sương (Cam Lộc) là do ai mang đến bên ngươi chăng?

Là gió (Trường Phong) mang tới đấy, rồi gió lại mang nó đi.

Cam Lộc thuộc về công chúa Trường Phong, anh ta chỉ là một khúc nhạc thêm ngắn ngủi vào sinh mệnh ngươi mà thôi.

Còn thái tử Chi Thụ chính là cái cây nhỏ trước cửa miếu Quan Âm đó, anh ta đã ngắm ngươi ba nghìn năm, yêu ngươi ba nghìn năm, nhưng ngươi chưa hề cúi xuống nhìn anh ta. Nhện, ta lại đến hỏi ngươi, thế gian này cái gì là quý giá nhất?"

Nhện nghe ra sự thật, chợt tỉnh ngộ, nàng nói với Phật: "Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!"

Vừa nói xong, Phật đã đi mất, linh hồn Châu Nhi quay lại thân xác, mở mắt ra, thấy thái tử Chi Thụ đang định tự sát, nàng vội đỡ lấy thanh kiếm...

"Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!"

Trong suốt đời ta, sẽ gặp hàng nghìn hàng vạn loại người.

Để yêu một người thì không cần cố gắng, chỉ cần có "duyên" là đủ.

Nhưng để tiếp tục yêu một người thì phải cố gắng.

Mất một người không biết trân quý bạn, có gì phải buồn rầu?
........................

Saturday, March 22, 2014

Công thức giết chồng

image

 
Chuyện Cấm Cười - Theo Bảo Mai. Blogspot
 
 
Thanh tra Miron đứng tần ngần trước ngôi biệt thự lộng lẫy. Giàn hoa giấy trên vòm cổng bừng lên màu đỏ thắm, rực rỡ dưới ánh mặt trời. Ông đưa tay bấm chuông.

Nữ chủ nhân – bà Chalon, bốn mươi tuổi – tiếp ông trong một phòng khách sang trọng, màn voan trắng, ghế nệm lót nhung và sàn trải thảm. Bà có một vẻ đẹp lạ lùng. Miron nghĩ ngay đến một khuôn mặt tạc đầy thạch cao với đôi mắt trong xanh như mây trời Địa Trung Hải thấp thoáng ngoài cửa sổ. Thân hình bà nẩy nở săn chắc, hứa hẹn dù cho đến tuổi sáu mươi, những đường nét quyến rũ ấy vẫn không bị thời gian bôi xóa.
 
Chà, ông nghĩ, điều này cũng chẳng cung cấp được gì thêm cho những dự tính của mình.
- Một ly Dubonnet nhé, thưa ông thanh tra?


Đang nhìn vào đôi môi mọng của nữ chủ nhân, Miron giật mình. Ông cố lấy giọng tự nhiên:
- Cám ơn.


Bà Chalon nâng ly uống trước, mắt nhìn ông tinh quái. Rồi bà mỉm cười, tuyên bố thẳng thừng:



image


- Ông đến điều tra về vụ tôi đã đầu độc mấy ông chồng cũ phải không?

Miron sững sờ, lúng túng:

- Thưa bà… tôi…


- Ngay từ lúc ông đến trình diện ở Tỉnh đường, tôi đã đoán ra điều đó.


Thanh tra Miron trấn tĩnh, lấy lại vẻ lạnh lùng nghề nghiệp:


- Thưa bà, tôi đến để yêu cầu bà cho phép khai quật thi thể các ông Charles Wesser và ông Etienne Chalon, để các chuyên gia giám định y khoa tiến hành xét nghiệm nội tạng. Thưa bà, tại sao trước đây bà lại từ chối việc ấy với hạ sĩ Luchaire của Sở Cảnh Sát địa phương?


- Luchaire thiếu tế nhị nên tôi ghét ông ta. Tôi từ chối vì thái độ cá nhân chứ không chối từ với luật pháp.


Bà Chalon lại nâng ly lên đôi môi mọng, ánh mắt tình tứ:


- Với ông, tôi có từ chối đâu nào. Thưa ông thanh tra Miron, tôi biết rõ phương pháp của các ông là tiến hành khám phá bí mật khởi đầu bằng cách hỏi lại xác chết…


Bà ngừng một tí để thích thú thấy viên thanh tra ngượng đỏ mặt, nhưng lại tảng lờ như không chú ý, tiếp tục nói rất tự nhiên:


- Và, những cuộc xét nghiệm y khoa đã hoàn tất, ông đã bối rối vì chẳng tìm thấy gì cả. Thế rồi ông đến tận đây để nắm vững về tôi: về khả năng, cá tính… biết đâu, nhờ may mắn trong cuộc đối thoại, ông có thể tìm ra những dấu hiệu phạm tội của tôi.


Bà nói một hơi, đánh trúng chính xác những mục tiêu của ông. Nếu ông không chịu thú nhận thì thật là ngốc.



image

- Rất đúng, thưa bà Chalon, đúng trên giấy tờ. Nhưng… khi người ta có hai ông chồng cùng chết vì rối loạn tiêu hóa dữ dội, cùng chết sau ngày cưới chưa đầy hai năm, lại cùng ở cái tuổi chưa phải là già lắm và cùng để lại toàn bộ tài sản lớn lao cho người vợ góa thừa kế… Bà hiểu chứ?


- Vâng, tôi rất hiểu.


Bà Chalon tiến lại cửa sổ. Chiếc áo cổ rộng cắt khéo ôm lấy bộ ngực tròn đầy, quyến rũ, làm mờ đi màu xanh của biển dịu dàng thăm thẳm ngoài kia.


- Thanh tra Miron, ông có thích nghe tôi xưng hết tội lỗi không?


Giọng nói của bà êm ái như vuốt ve, dỗ dành khiến Miron phải đề cao cảnh giác. Ông thầm nghĩ, người đàn bà này rất nguy hiểm, quá sức nguy hiểm....


- Nếu bà muốn như thế, thưa bà Chalon.


- Vậy thì, tôi sẽ làm ông hài lòng.


Bà Chalon không cười nữa. Qua cửa sổ mở rộng, một cơn gió tỏa vào phòng mùi hương ngào ngạt, nhưng không phải hương thơm của hoa cỏ ngoài vườn.

- Ông có biết tí gì về nghệ thuật nấu ăn không, thưa ông Miron?


- Tôi từ Paris đến, bà biết mà.


- Và còn nghệ thuật yêu đương?


- Tôi đã thưa với bà, tôi từ Paris đến.


- Vậy thì…


Sau một hơi thở sâu làm bộ ngực căng lên, bà Chalon tiếp:



image

- Tôi, Hortense, Eugénie Villerois –Wesser –Chalon, có thể nói với ông rằng, tôi ám sát có chủ tâm người chồng thứ nhất, ông Wesser năm mươi bảy tuổi, cũng như người chồng thứ hai, ông Chalon sáu mươi lăm tuổi.

“Bà ta điên chăng?” Miron nhủ thầm
- Tôi kết hôn với ông Wesser bởi sự ép buộc của gia đình. Chưa đầy nửa tháng, tôi đã nhận ra rằng, ông ta có đầy đủ mọi thói xấu của một kẻ làm loạn lúc về già, nghĩa là thô bỉ, phàm ăn và dâm dục như một con yêu râu xanh. 

Tất cả những cái ấy đã gây nên tình trạng tồi tệ cho bao tử. Điều này có ghi hết trong hồ sơ, ông đồng ý chứ?


image

- Thế còn ông Chalon?


- Ông ta già hơn, cũng như tôi đã lớn tuổi khi kết hôn với ông ta.


Miron hỏi giọng pha chút mỉa mai:


- Và bao tử của ông Chalon cũng ở trong tình trạng tồi tệ?

Bà Chalon thản nhiên:


- Chắc chắn là thế. Chalon ít thú tính hơn Wesson, nhưng ông ta lại tàn bạo, đối xử ác độc với trẻ con và nốc rượu mạnh như hũ chìm. Ông ta dã man đến nỗi tôi đã không ngần ngại quyết định: Chalon phải chết như Wesson đã chết.


Miron lạnh người. Một phút yên lặng trôi qua. Miron dùng giọng thật nhẹ nhàng để không làm xáo trộn giòng tư tưởng của kẻ đang thú tội:


- Bằng cách nào, thưa bà Chalon?
Bà Chalon quay lại, nở nụ cười rạng rỡ:

- Có lẽ ông biết những món ăn như Gà tây nhồi hạt dẻ, Vịt nấu ngũ sắc, Cá mú đút lò, Xúp gân nai, cua gạch…


- Kìa, bà đã làm tôi phát thèm lên đấy!


- Ông hỏi tôi giết người bằng cách gì ư? Thưa ông Miron, tôi đã phục vụ họ với thực đơn hàng trăm món, và với mỗi món, tôi thêm vào một tí…


Đột nhiên, bà ngừng nói. Bàn tay thanh tra Miron siết chặt ly Dubonnet, dồn hết nghị lực để khỏi lộ vẻ nôn nóng:


- Bà đã thêm vào… thêm vào tí gì vậy?



- Ông đặc trách vụ án này, ông có biết thân sinh của tôi là ai không?

- Ông Jean-Marie Villerois, một bậc thầy của những bậc thầy về ẩm thực.

- Đúng thế. Ba tôi đã truyền hết nghề nấu nướng cho tôi.

Miron căng thẳng, bực bội, nhưng cũng đành chấp nhận câu chuyện lông bông của người đàn bà xinh đẹp này.
image

- …Nhưng bà vừa bảo rằng, bà đã thêm vào mỗi món ăn một tí…

Bà Chalon quay lưng lại. Miron bỗng choáng ngợp trước bờ vai thon thả, vóc dáng cân đối, vòng eo tuyệt mỹ.

- Một tí… một tí nghệ thuật, thế thôi, không có gì khác nữa, ông thanh tra ạ. Loại người như Wesser hay Chalon làm sao mà cưỡng nổi. Một ngày ăn ba bốn bữa thịnh soạn… no đến cành hông, rồi lại nốc rượu vào. Ở tuổi ấy, ăn uống như vậy làm sao mà thọ nổi.
 
Bà Chalon ngưng nói. Căn phòng yên tĩnh, chỉ nghe tiếng tíc tắc từ xa của chiếc đồng hồ quả lắc.

- Xin lỗi, thế còn nghệ thuật yêu đương… Chính bà đã nêu lên…


- Thưa ông thanh tra, điều này phải có sự giúp đỡ của một vài cô bạn trẻ thật hấp dẫn. Tóm lại, tôi đã giết hai đức lang quân của tôi bằng công thức ĂN NO cọng với RỮNG MỠ. Chỉ thế thôi!



image

Lại yên lặng. Một sự yên lặng căng thẳng, chờ đợi. Chợt thanh tra Miron đứng dậy, đột ngột đến nỗi bà Chalon quay phắt lại, mặt tái xanh.

- Chiều nay, mời bà đi với tôi đến Nice.

- Đến… Sở Cảnh Sát ư? Thưa ông thanh tra.

- Không, chúng ta sẽ đi uống champagne, nghe nhạc và khiêu vũ.

- Ơ… thưa ông…
image

- Hãy nghe tôi nói! Thưa bà, tôi độc thân, bốn mươi bốn tuổi, không nhiều thói xấu lắm. Tôi có dành dụm một khoảng tiền với lợi tức hàng năm không đến nỗi tệ…

Ông nhìn thẳng vào đôi mắt thăm thẳm của bà:

- … và tôi mong mỏi… được chết vì bà./.

Nguyên tác: Recette de meutre
Tác giả: C.P. Donnell, Jr
Afred Hitchcock présente

Thùy An phỏng dịch
 
Copyright © 2013 Món ăn tinh thần | Powered by Blogger