Thursday, May 15, 2014

Chuyện kinh dị: Chiếc hòm gỗ bí mật (Kỳ 2)

Chuyện kinh dị: Chiếc hòm gỗ bí mật (Kỳ 2)

 


Chuyện Cấm Cười sưu tầm

Tiếp theo (kỳ 1)

Từ sau lần chào hỏi xã giao ấy, tôi thầm nghĩ: một cô gái dung nhan tầm thường như vậy thật không xứng với bạn tôi.Tuy nhiên, nếu khẳng định cô ta là một phụ nữ xấu thì cũng không hẵn là như thế. Về cách phục sức của cô thì quả là đúng mốt thời đại.

Cuối cùng, tôi tự giải đáp là có lẽ cô ta đã chinh phục trái tim bạn tôi bằng những lời ăn tiếng nói có duyên, hoặc giả bằng một tâm hồn đầy sức truyền cảm. Tôi chưa biết được nhiều về cô, vì gặp tôi, cô chỉ nói vài lời rồi theo chồng vào trong phòng ngay sau đó.

Thế là cái tính hiếu kỳ cố hữu của tôi lại trở lại. Điểm thắc mắc chính của tôi vẫn là không có người hầu đi theo. Tôi vẫn còn nhớ hôm ấy gia đình C đến trước, xe chở hành lý đến sau, bốc xuống một cái hòm bằng gỗ thông. Và dường như mọi thành viên trong gia đình đều ngóng đợi hòm hành lý ấy. Tầu nhổ neo ngay sau khi cái hòm đặc biệt ấy được chuyển xuống. Con tầu đã mau chóng vượt qua các sĩ quan hải quan kiểm soát của cảng và thẳng tiến ra khơi.

Cái hòm bí ẩn mà tôi tò mò chú ý đến có hình khối chữ nhật, chiều dài khoảng 1m85, chiều rộng khoảng 0,75m. Tôi quan sát khá kỹ và chính xác. Hình dáng cái hòm thật đặc biệt, tôi chưa từng trông thấy bao giờ.

Tôi ước tính kích thước quá khổ của nó để kết luận là bên trong chỉ có thể đựng những bức tranh lớn cuộn lại, và tôi phỏng đoán là những bản sao từ các kiệt tác hội họa. Có thể là họa sĩ C đã vẽ lại bức tranh được nhiều người hâm mộ có tên là " Bữa ăn nhẹ buổi tối". Tôi được biết là có hai bản sao, một của họa sĩ trẻ tuổi Rubini ở Pháp và một của họa sĩ C. Hai bức tranh này đã từng được bảo quản tại phòng tranh thuộc quyền sở hữu từ Nick sang C.

Tôi lấy làm thích thú về sự phỏng đoán này, và cười thầm về chuyện C đã cố tình giấu giếm không cho tôi biết chuyện làm ăn của anh ta, một điều mà trước đây C không cư xử với tôi như thế bao giờ. Tuy nhiên, tôi quyết định lờ đi, coi như không biết đến chuyện này.

Còn một điều khác nữa làm tăng thêm sự hiếu kỳ của tôi. Cái hòm không được xếp ở phòng lớn mà lại được chuyển vào phòng riêng của C, kê sát vào giường ngủ của anh. Điều này tôi cho là không bình thường chút nào, vì hắc ín quyét bên ngoài cái hòm bốc lên mùi rất khó chịu, song chẳng những họ chịu đựng được, mà còn tỏ ra chú trọng quan tâm đặc biệt đến cái hòm bí ẩn đó, làm như bên trong có chứa đầy châu ngọc không bằng.

Trên nắp hòm có ghi tên người nhận: Phu nhân Adelaide Curtis. Người gửi: Comelius Wyatt, và còn ghi rõ: mặt trên. Xin chuyển nhẹ nhàng.

Phu nhân Adelaide Curtis là mẹ vợ của họa sĩ C. Tôi đọc dòng chữ ghi địa chỉ với lòng ngưỡng mộ và tôn kính nhưng khó hiểu là tất nhiên, vì cái hòm gỗ bí ẩn đó, nếu bên trong chỉ là những bức tranh như tôi đã phỏng đoán, thì tại sao lại gửi tới cho người thân ở tận Albany xa xôi?

Ba ngày đầu, thời tiết trên biển khá đẹp, cho dù chiều gió thổi thường thay đổi luôn. Sang ngày thứ tư, tầm nhìn phía trước bỗng nhiên trở nên mù mịt u ám, chẳng còn nhìn thấy đất liền.

Hành khách trong chuyến đi này phần lớn là những nhà khá giả, tinh thần phấn chấn, có trình độ giao tiếp lịch sự và chan hòa, nhưng C và hai cô em gái thì lại luôn tỏ một thái độ miễn cưỡng khi tiếp xúc với mọi người.

Tôi buộc phải nói sự thật là họ đã chẳng có nỗi lấy một thái độ giao tiếp lịch sự tối thiểu, mặc dù trong thâm tâm, tôi chẳng muốn để mắt xoi mói nhiều đến họ làm gì. Như tôi đã từng nói với độc giả, tính khí của C vốn lạnh nhạt với mọi người, ít nói lầm lì, trên con tầu này, anh còn tỏ ra rất rầu rĩ, và về điểm này, tôi không giải thích nổi thái độ kỳ cục của anh ta.

Với hai cô em gái của anh, dường như lúc nào cũng muốn lần tránh trong phòng riêng, và thái độ lạ lùng đó gần như kéo dài gần suốt cuộc hành trình, cho dù mỗi lần gặp mặt, tôi đều động viên hai cô nên có giao tiếp với những người cùng chuyến đi.

Phu nhân C thì tính khí cởi mở hơn, có vẻ như thích chuyện phiếm với mọi người. Nhưng chuyện phiếm thì hợp với đâu đó, chứ không hợp với một chuyến vượt biển như thế này. Cô mau chóng trở thành thân thiết với hầu hết các phu nhân khác trên tầu, nhưng điều làm cho tôi ngạc nhiên nhất là một vài lần cô ta tham gia cả vào những chuyện cợt nhã với đàn ông.

Những người thuộc giới thượng lưu không nói gì nhiều về cô, nhưng các quý bà thì chỉ sau một lúc tiếp xúc, chuyện trò với cô đã nhận xét ngay là: "Cô gái này bộc tuệch vô duyên và ít học". Điều ngạc nhiên của mọi người là không hiểu C đã ăn phải bùa mê, thuốc lú gì? mà lại lầm lẫn lấy cô ta về làm vợ.

Xưa nay giàu sang cũng là một nguyên do dẫn tới hôn nhân, nhưng trường hợp của C thì lại hoàn toàn chẳng phải như vậy. C đã từng tâm sự với tôi là đã không hề nhận tiền bạc hoặc bất kỳ của cải từ cô gái ấy. Anh  nói, đã kết hôn với cô ta vì tình yêu và hoàn toàn chỉ vì yêu cô ta mà thôi. Buồn thay, cô gái tầm thường đó đã không xứng đáng với tình yêu của C.

Quả thực là tôi rất bối rối khi nói lên những ý nghĩ của mình về cuộc hôn nhân của C. Liệu còn vấn đề gì khác nữa mà tôi chưa nghĩ đến, đã làm cho bạn tôi lầm lẫn trong việc kén chọn người bạn trăm năm của mình? Bạn tôi là một người lịch sự như thế, có học thức như thế, xưa nay vốn khó tính, rất nhạy cảm trong việc phân biệt thật giả: năng khiếu thẩm mỹ có thừa, vậy lầm lẫn trong hôn nhân là do đâu? Về phần cô gái thì chắc chắn cô ta kính trọng người chồng của mình lắm.

Tôi chỉ căn cứ vào những lời cô ấy nói về chồng mình một cách lễ phép, khi chồng không đứng bên cạnh là đủ rõ. Trong cách xưng hô, chỉ có một lần tôi nghe thấy cô ấy gọi C là "chồng tôi" còn hầu như gọi là "ngài C". Còn đối với họa sĩ C, trong quan hệ với vợ mình, mọi người trên đều nhận xét là chính anh ta cũng dường như tránh không muốn gặp vợ trong sinh hoặt hằng ngày.

Anh thường đóng chặt cửa phòng riêng và ở trong đó một mình. Hiện tượng đó không bình thường chút nào, vì vợ chồng mới cưới thường gần gũi, chăm sóc cho nhau, người vợ mới chẳng thể có nhiều thời gian rảnh rỗi ngồi chuyện phiếm với các thủy thủ ở cabin.

Những điều tôi nhìn và nghe thấy đã giúp cho tôi rút ra một nhận định: do say mê bồng bột nhất thời, lấy nhầm phải người vợ chẳng ra gì, anh đã phải chịu đựng hậu quả chán chường. Tôi thấy thương hại anh từ đáy lòng, mặc dù cho tôi lúc này, tôi vẫn còn chưa nguôi giận về chuyện anh cố tình giấu diếm tôi về những bức họa đóng trong hòm gỗ.

Một hôm, anh rời phòng riêng lên boong tàu cùng với tôi. Chúng tôi khoác tay nhau thân mật như mọi lần trước đây. Anh thơ thẩn đi tới đi lui bên cạnh tôi, rầu rĩ, tôi cho rằng cảnh ngộ éo le đã khiến anh khổ sở và điều đó là chuyện thường tình. Anh rất ít lời, tính khí thất thường, bất đắc dĩ mới nói vài lời. Khi tôi buông mấy câu bông đùa để phá tan cái không khí lặng lẽ, thì anh đáp lại bằng nụ cười gượng gạo.

Ôi người bạn đáng thương của tôi! Chính vì ái ngại cho cảnh ngộ của anh, mà tôi tránh không trách móc thẳng vào thái độ cư xử thiếu thành thật của anh đối với tôi. Tuy nhiên, tôi thầm nghĩ: chẳng thể bỏ qua, mà phải tìm cách nói bóng gió để anh ta hiểu được là những việc giấu diếm của anh ta đã chẳng thể qua nổi mắt tôi. Tôi đưa ra những lời nhận xét về hình dáng và kích cỡ không bình thường của cái hòm gỗ kỳ dị, để qua đó ám chỉ đến hành động che giấu vụng về mà tôi thừa biết: Tôi vừa nói vừa nháy mắt, và còn dùng ngón tay trỏ chọc vào mạng sườn bạn tôi nữa.

Tôi thật không ngờ cách nói ẩn dụ và lối khôi hài, mà tôi cho là vô hại ấy, đã làm cho bạn tôi phát điên lên. Trước hết, anh giương mắt trừng trừng nhìn tôi, cứ như là đã không hiểu nổi những lời nhận xét dí dỏm tôi vừa nói. Sau đó, chẳng rõ trong óc anh đã suy luận và nhận thức ra điều gì khác, mà mắt anh trông cứ như lồi ra khỏi hốc mắt.

Sắc mặt anh đỏ bừng bừng, rồi từ màu đỏ lại chuyển sang màu xanh xám một cách gớm ghiếc, và sau đó, dường như lấy làm thích thú với những lời nói xa xôi bóng gió của tôi, anh phá lên cười giòn giã, và càng cười to như người điên khi thấy tôi biểu lộ vẻ ngạc nhiên, rồi khoảng mười phút sau anh ngã vật xuống sàn tàu. Khi chạy lại đỡ anh dậy, tôi thấy anh mê man bất tỉnh, nhìn vẻ ngoài như người đã chết rồi.

Tôi gọi thầy thuốc đến cấp cứu và gặp rất nhiều khó khăn mới làm cho anh ta hồi tỉnh lại được. Nằm trên giường hồi sức, anh ú ớ, chẳng ai hiểu là anh nói gì.

Tới sáng hôm sau, anh hoàn toàn bình thường, đến mức không còn điều gì phải chữa trị cho cơ thể nữa. Về sự suy sụp tinh thần của anh ta, tôi là người hiểu hơn ai hết, nhưng tôi im lặng không hé răng nói điều gì. Những ngày còn lại trong chuyến vượt biển, tôi tránh không gặp lại anh ta nữa.

Ngài thuyền trưởng dường như hiểu tường tận nguyên nhân gây nên nỗi điên khùng của C nên ông khuyên tôi giữ kín chuyện này, chớ để bất kỳ ai trên tàu biết chuyện.

Tiếp theo việc họa sĩ C ngã bất tỉnh, nhiều sự việc khác lại tiếp tục diễn ra với gia đình người họa sĩ quý tộc đã kích thích tính hiếu kỳ ngoan cố của tôi. Một hiện tượng kỳ dị cuốn hút sự chú ý của tôi đã xảy ra vào mấy hôm tôi thao thức do uống quá nhiều nước trà đặc. Có hai đêm gần như tôi đã thức trắng.

Phòng riêng của tôi mở thông sang buồng lái và phòng ăn, cho nên hành khách trên tầu thường qua lại luôn. Ba căn phòng thuộc gia đình họa sĩ C thì ở khất phía bên kia, lối đi nhỏ sau buồng lái có một cái cửa lùa thường bỏ ngỏ không khóa bao giờ.

Để có thể thông gió cho tất cả các phòng, và để hành khách luôn cảm thấy dễ chịu khi tầu lướt trên biển, nhất là khi tầu chuyển theo hướng chệch với hướng gió thổi tới, cửa lùa được mở thường xuyên ban đêm khi ngủ, và ban ngày, khi mọi người đều thức thì cũng chẳng ai đóng cửa lại.

Vị trí phòng riêng của tôi có cửa phòng nhìn ra lối đi chung, và khi mở có thể nhìn xuyên suốt sang buồng lái và ba căn phòng của gia đình họa sĩ. Cửa phòng riêng của tôi cũng thường xuyên để ngỏ vì trời nóng bức.

Trong hai đêm mất ngủ, tôi tình cờ chứng kiến một số hoặt động của gia đình C. Cứ khoảng mười một giờ mỗi đêm, tôi đều thấy phu nhân C đi từ phòng chồng sang phòng ngoài, nơi đặt chiếc hòm gỗ bí ẩn, rồi ở lại tại đấy cho tới rạng sáng hôm sau, cô ta đã rời khỏi phòng của chồng vào ban đêm ly thân hay điều bí ẩn gì khác của hòm để hành lý?
Xem tiếp (Kỳ 3) tại đây

Post a Comment

 
Copyright © 2013 Món ăn tinh thần | Powered by Blogger