Tuesday, August 26, 2014

Mái ấm hạnh phúc của đôi vợ chồng khuyết tật


 t1.jpg

Bò bằng 4 tay chân, chị Hồng Kiên di chuyển từ nhà vệ sinh vào bếp chuẩn bị bát mì rồi gọi con dậy ăn sáng; còn anh Hồng Thức ngồi trên 2 chiếc ghế để giặt giũ.
Anh Phạm Hồng Thức và chị Hoàng Hồng Kiên là đôi uyên ương vàng của làng thể thao khuyết tật Việt Nam. Chung sống với nhau đã 10 năm, mái ấm của họ hạnh phúc với cậu con nay được 5 tuổi. 
Căn phòng trọ nhỏ nằm sâu trong làng Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), ở dãy trong cùng, trước sân có vài chiếc xe lăn và đống chổi. Bên trong nhà bày biện đơn giản, tất cả vật dụng đều đặt ở tầm thấp để hai vợ chồng - chồng thì mất 2 chân đến đùi, vợ bại liệt không thể đứng - dễ lấy. Nổi bật trong nhà là hàng chục chiếc huy chương, chủ yếu huy chương vàng và nhiều bằng khen treo thành hàng dài trên tường.

Kết hôn 10 năm, chưa từng có một lễ cưới nhưng vợ chồng Hồng Kiên và Hồng Thức luôn yêu thương, bù đắp cho nhau. Ảnh: NVCC.
Mất hai chân, anh Hồng Thức di chuyển trên hai chiếc ghế. Anh vo gạo, cắm cơm, nhặt rau rồi nấu bữa tối nhanh nhẹn như bất cứ người đàn ông lành lặn nào khác. Khi chị Kiên về nhà thì mâm cơm nóng hổi có thịt kho, mực nướng, rau muống xào tỏi đã bày trước mặt. Bé Tuấn Anh quậy đủ trò quanh bố mẹ. Cả nhà cười vang trong căn phòng nhỏ.
Anh Thức là con cả trong một gia đình ở Gia Lâm, Hà Nội. Năm 14 tuổi, anh bị tai nạn tàu hỏa mất đi đôi chân. Không còn được đi học, được chạy nhảy, cuộc sống như sụp đổ trước mắt anh. Theo thời gian, nỗi đau cũng dần nguôi ngoai, anh làm những việc phù hợp để nuôi bản thân như sửa xe, chạy xe ôm, chăn nuôi lợn gà...
Năm 2002, anh Thức (khi đó 27 tuổi) nghe nói Trung tâm thể thao Khúc Hạo đang tuyển vận động viên tham gia Paragame 2. Anh xin tham gia môn điền kinh và mang về cho Việt Nam hai giải bạc. Tại đây, anh quen biết chị Kiên, người con gái dân tộc Tày quê ở Đình Lập, Lạng Sơn.
t2.jpg
Trong 10 năm thi đấu, anh Thức giành được nhiều giải vàng quốc gia. Ảnh: NVCC.
Chị Hồng Kiên năm nay 34 tuổi, là người phụ nữ năng nổ và giàu nghị lực. Chị bị liệt sau một trận cảm khi mới 4 tháng tuổi. Mẹ chị cũng là một người phụ nữ khuyết tật phải một mình nuôi 3 đứa con. Tuổi thơ của chị là chuỗi ngày buồn bã, không được đi học, bị kỳ thị, khinh thường.
Năm 20 tuổi, chị trốn nhà xuống Hà Nội xin việc. 100.000 đồng mang theo gần hết nên hai đêm liền chị phải ngủ ngoài bến xe. Sáng thứ hai, chị đến Hội người mù Hà Đông xin việc và được nhận vào bán chổi. Hàng ngày, chị buộc 20 cái chổi và tăm lên xe, dùng tay lăn bánh xe len lỏi vào các ngõ ngách ở Hà Nội. Mỗi ngày, chị đều tìm một con đường mới và phải cố về trụ sở hội trước 16h để ghi sổ và lấy hàng cho ngày mai. Thời gian đầu đi làm, đôi tay chị bị bầm dập đau đớn. 
Hết tháng đầu, chị Kiên đã có tiền gửi về quê cho mẹ và đón một người em khác xuống làm dệt lụa ở Vạn Phúc. Tháng 6/2003, chị bị tai nạn, người không sao nhưng chiếc xe thì hỏng. Ra Trung tâm thể thao Khúc Hạo nhận xe mới, một huấn luyện viên đã mời chị tham gia chơi thể thao. Vì phải lo kiếm tiền nên chị mất khá nhiều thời gian suy nghĩ, cuối cùng cũng quyết định thử vận may cuộc đời.
"2h sáng, tôi lăn xe 11 km lên sân vận động Hàng Đẫy, đến nơi 5h phải ra sân tập nhưng tôi chẳng tập được bao nhiêu vì đã thấm mệt. Hết giờ tập, tôi cảm giác thân mình như quả chanh vắt đến kiệt quệ nhưng vẫn phải đi bán chổi để có tiền trang trải cuộc sống", chị tâm sự. Hai tháng trước Paragame, Hồng Kiên nghỉ làm, chuyên tâm luyện tập. Chị buộc phải nợ tiền nhà, nợ gạo, nợ dầu... Cũng lúc đó ở quê, nhà chị bị cuốn trôi sau trận lũ lớn. Cô gái 23 tuổi quyết tâm luyện tập và tin vận may sẽ đến với mình.
"Tôi thi điền kinh xe lăn nữ được 2 giải vàng. Nhận được số tiền thưởng 30 triệu đồng, tôi làm luôn cho mẹ ngôi nhà khá to đẹp so với nhà ở quê. Lần đó, được ngân hàng thưởng một triệu đồng tài khoản tiết kiệm, tôi rút hết trả tiền nhà, gạo, dầu", chị cười sung sướng.
2_1408761888.jpg
Một chủ hiệu ảnh cưới chủ động tìm đến chụp tặng cho gia đình anh Thức, chị Kiên một bộ ảnh cưới. Ảnh: NVCC.
Sau Paragame 2, tình yêu của hai vận động viên Hoàng Hồng Kiên và Phạm Hồng Thức nảy nở. Họ tiếp tục thi đấu và mùa giải nào cũng giành vài giải cao về cho đất nước. Chị Kiên giành được hơn 10 giải vàng châu Á, còn anh Thức có rất nhiều giải vàng quốc gia. Tình yêu của họ lớn lên qua những lần tập luyện, thi đấu.
"Ngày 28/10/2004, chúng tôi dọn về sống chung. Tài sản ban đầu chỉ có một cái bếp dầu, một tivi đen trắng. Vì nghèo nên vợ chồng tôi chỉ đăng ký kết hôn chứ chưa từng tổ chức đám cưới", chị Kiên chia sẻ. Ngoài luyện tập thể thao, anh Thức chạy xe ôm, chị Kiên vẫn đi bán chổi để có thêm thu nhập.
Mong muốn có một đứa con nên khi vợ có thai, anh Thức xin nghỉ tập đưa vợ về Lạng Sơn sinh nở. Việc mang bầu với người lành lặn không đơn giản, với chị Kiên càng khó khăn gấp bội. "Sáng sớm vợ tôi phải chợ mua thức ăn về nấu nướng cho 20 công nhân làm tăm tre, chổi. Bụng cô ấy thì to mà phải bò nên cứ ngã dập bụng xuống đất liên tục. Mỗi lần như thế hai đứa lại lo, phải đi siêu âm suốt", anh Thức nhớ lại.
Bình thường chị Kiên nặng 53 kg, khi mang bầu tăng lên 81 kg. Từ tháng thứ 4, chị không thể tự ngồi lên được. Mỗi đêm, anh Thức phải dậy không dưới 5 lần đưa vợ đi vệ sinh. Chị Kiên thương chồng nhiều đêm phải cố nhịn. "Suốt 9 tháng mang bầu và 5 tháng sau sinh, chồng tôi cứ trải áo mưa ra chỗ mát, đặt tôi nằm lên đó để anh ấy gội đầu cho. Cũng chỉ có chồng vất vả nâng tôi lên để thay bỉm, phải đổ bô, tự giặt hết cho hai mẹ con", chị xúc động cho biết. Cuộc đời chị chưa từng được ai chăm sóc, đối xử tốt nhưng anh chính là sự bù đắp tất cả cho chị.
Sinh con xong, anh chị lại xuống Hà Nội tiếp tục tham gia thi đấu. Họ cũng mở một xưởng làm tăm, chổi tạo việc làm cho những người khuyết tật. Sản phẩm của họ cung cấp cho hơn 60 đại lý bán lẻ trên địa bàn Hà Nội. Đối với hai vợ chồng, hạnh phúc lớn nhất là con trai khỏe mạnh, đáng yêu. Anh chị làm lụng vất vả là để dành cuộc sống tốt đẹp nhất cho con.
VnExpress/Phan Dương

Sunday, August 17, 2014

Bức tranh quái dị



 
Trước nhà thờ Saint Sébalt, nơi góc đường Des Trabans là một quán nhỏ, vừa hẹp vừa cao, cửa kính bụi bậm, trên nóc có dựng bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh bằng thạch cao.

Đó là nơi tôi trải qua những ngày buồn thảm nhất đời. 

Tôi đến thành phố Nureemberg đê học hội họa từ các họa sư tên tuổi ở Đức, nhưng vì thiếu tiền nên đành phải vẽ ảnh, những ảnh xoàng xĩnh như các mụ to béo lắm lời, con mèo ngồi trên đầu gối, những ông xã trưởng đội mũ ba góc,những ông nhà giàu, đầu chụp tóc giả…
Hết vẽ ảnh, tôi vẽ những bản phác họa (Croquis) và sau cùng vẽ hình bóng (Silhouettes).

Với tôi, không có gì thê thảm cho bằng luôn luôn bị viên quản lý khách sạn hạch sách. Sáng nào ông ta cũng mím môi giọng ồn ào, vẻ xấc láo nạt nộ: “Chừng nào ông mới chịu trả tiền cho tôi? Ông có biết tiền phòng của ông lên tới bao nhiêu rồi không? Hai trăm đồng “florin” và mười đồng “kreutzer”. Không có bao nhiêu phải không?”.
Những ai chưa nghe giọng xấc láo của tên quản lý khách sạn này không thê hiêu được nỗi khổ của tôi trong lúc bấy giờ. Tình yêu nghệ thuật, óc tưởng tượng, sự hăng hái đi tìm cái đẹp của tôi hoàn toàn khô héo. Tôi trở nên vụng về, nhút nhát. Bao nhiêu nghị lực đều biến cũng như lòng tự trọng… Và thấy ông xã trưởng từ xa là tôi đã cúi đầu chào cẩn thận.
Một đêm, không một xu dính túi, quá lo ngại, sợ bị viên quản lý dê sợ kia cho vào tù, tôi nhất định tự tử bằng cách cắt họng. Với ý nghĩ đó, tôi ngồi trên chiếc giường tồi tàn ngó ra cửa sổ, triền miên nghĩ ngợi đến trăm ngàn ý nghĩ về triết lý. 
Tôi tự hỏi: “Con người là gì? Một con thú ăn tạp! Hai hàm răng có các loại răng chó, răng cửa, răng hàm chứng minh điều đó. Răng chó đê ăn thịt, răng cửa đê ăn trái cây và răng hàm đê nghiền. Nhưng khi không còn gì đê nghiền thì con người là một thứ vô nghĩa trong vũ trụ, một điều thừa, một bánh xe thứ năm…”.

Đó là những cảm nghĩ của tôi. Tôi không dám mở con dao cạo ra, sợ rằng tôi bỗng nhiên trở nên can đảm mà tự tử.

Sau những lý luận như thế, tôi thổi ngọn đèn sáp, hoãn lại mọi việc vào ngày mai.

Tên quản lý khách sạn đã làm cho tôi trở nên ngu ngốc hoàn toàn.

Tôi không thấy gì khác hơn là những hình bóng và điều mong muốn duy nhất của tôi là có tiền đê ném vào mặt hắn mỗi khi hắn ta đến quấy rầy tôi.

Nhưng đêm đó, có một cuộc cách mạng kỳ lạ trong đầu óc tôi. Tôi thức dậy vào lúc một giờ khuya, vẽ nhanh lên giấy một bức phác họa theo loại Hòa Lan, tức là loại kỳ quái, không có một chút liên hệ gì tới các quan niệm về hội họa thông thường của tôi.

Các bạn hình dung, bức phác họa là một khoảng sáng tối âm u, nằm giữa những bức tường cao, loang lở. Những bức tường dầy đó có những móc sắt nhọn hoắt đóng ở trên cao vào khoảng hai ba thước. Người ta đoán ngay từ đầu khung cảnh đó là một lò sát sinh.
Bên trại có một hàng rào mắt cáo. Bạn thấy một con bò mổ banh ra, treo lên trần bằng những cái móc to tướng. Những vũng máu chảy trên nền gạch và dồn xuống một đường mương đầy rác đến dị kỳ.
Ánh sáng chiếu từ trên, giữa các ống khói. Bóng các mái nhà kế cận chồng chất lên nhau.

Bên trong là một trại… Dưới trại là một đống củi. Trên đống củi có một cái thang, vài bó rơm, một đống dây, một chuồng gà và một chuồng thỏ phế thải.

Làm sao các chi tiết ô hợp đó lại chạy vào trí tưởng tượng của tôi? Tôi cũng không biết, không thấy một cảnh nào như vậy đê nhớ lại rồi vẽ ra.

Ấy vậy mà mỗi một nét bút chỉ là một nét vẽ chững chạc được nghiên cứu cẩn thận. Không thiếu một cái gì hết!

Nhưng bên mặt, còn một góc bỏ trắng. Tôi không biết vẽ gì lên đó. Kìa, có một vật gì thấp thoáng cử động. Bỗng nhiên tôi thấy một bàn chân, một bàn chân lật ngược, tách khỏi mặt đất. Mặc dầu vị trí đó không thê có được tôi vẫn theo sáng kiến đó, không hề hiêu rõ mình sẽ vẽ gì đây. Bàn chân đó dính vào ống quyên… và trên ống quyên có một chéo áo… Liền sau đó, một mụ già, xanh xao, tiều tụy, tóc rối bời té sấp trên bờ giếng trong khi chống cự với một nắm tay đang siết cổ mụ…

Thì ra tôi vẽ một bức tranh giết người. Ngọn bút rơi khỏi bàn tay tôi.
Mụ già trong tư thế chống cự tận lực, nằm vắt lên thành giếng, mặt nhăn nhó vì kinh hãi, hay tay bám chặt lấy cánh tay của kẻ sát nhân, mụ ta làm tôi hoảng sợ…

Tôi không dám nhìn mụ. Nhưng về phần tên sát nhân thì tôi không thấy, trừ cánh tay. Tôi không thê kết thúc được bức tranh.

Tôi tự nhủ: “Mệt rồi. Chỉ còn có nét mặt của tên sát nhân nữa mà thôi. Ngày mai mình sẽ vẽ nốt. Dê mà!”.

Tôi nằm xuống giường, hãy còn kinh sợ trước những gì vừa thấy qua nét vẽ của chính mình. Năm phút sau, tôi ngủ như chết.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy khi trời hãy còn mờ tối.

Vừa mặc quần áo xong và sắp sửa tiếp tục bức tranh bỏ dở thì có hai tiếng gõ cửa.

Tôi lên tiếng:

- Cứ vào!

Cánh cửa mở. Một người đã già, cao, ốm, mặc toàn màu đen bước vào thềm. Hai mắt ông gần nhau quá, mũi ông quặp xuống như mũi két, trán ông rộng, xương xẩu. Gương mặt ông có vẻ nghiêm khắc, ông chào tôi, hỏi thật nghiêm:

- Ông là họa sĩ Christian Vénius?

- Chính tôi thưa ông.
Ông ta gật đầu một lần nữa, tự giới thiệu:

- Tôi là Nam tước Frederic Van Spreckdal!

Sự xuất hiện của ông Van Spreckdal, chánh án tòa đại hình trước căn gác tối tăm của một họa sĩ vô danh khiến tôi thấy mất bình tĩnh. Tôi nhìn bàn ghế tồi tàn, sàn gác bụi bậm, xấu hổ trước cảnh nghèo của mình. Nhưng ông Van Spreckdal không chú ý đến những chi tiết đó. Ông ngồi trước bàn nhỏ của tôi nói:

- Họa sĩ, tôi đến đây…

Nhưng, cùng lúc đó, hai mắt ông dừng lại trên bức họa chưa hoàn thành… ông không nói hết câu. Tôi ngồi trên chiếc giường tồi tàn và sự chiếu cố bất ngờ của nhân vật này dành cho một trong các tác phẩm của tôi khiến tim tôi đập mạnh vì mối lo sợ khó nói.

Độ một phút, Van Spreckdal ngước đầu lên nhìn tôi thật chăm chú.

- Ông là tác giả bức họa kia?

- Dạ phải.

- Giá bức họa đó bao nhiêu?

- Tôi không bán các bức phác họa. Đó chỉ là một dự án.
Ông khách kêu lên một tiếng “A!” khi đỡ tờ giấy lên với mấy đầu ngón tay bằng vàng, ông lấy một kính phóng đại trong áo “gi lê” ra, bắt đầu nghiên cứu bức họa một cách trầm lặng.

Ánh nắng mặt trời chiếu xiên xiên qua gác. Van Spreckdal không nói một lời nào, sống mũi ông quằm xuống, đôi mày ông cau lại.

Không khí hoàn toàn im lặng, tôi nghe rõ tiếng vo ve của một con muỗi mắc trong lưới nhện. Sau cùng, không nhìn tôi, ông hỏi:

- Khuôn khổ bức tranh này như thế nào?

- Bề ngang ba bộ, bề dài bốn bộ.

- Giá tiền?

- Năm mươi đồng “ducat”.

Van Spreckdal đặt bức ảnh xuống, lấy trong túi chiếc ví dày màu xanh lá cây, giống như một quả lê. Ông trút các đồng tiền vàng ra:
- Đây, năm mươi “ducát”.
Nam tước đứng lên chào tôi. Tôi nghe tiếng chiếc gậy cán ngà của ông nện trên các bậc thang gác. Khi ông ta xuống đến tầng dưới tôi mới hoàn hồn và sực nhớ chưa cảm ơn ông ta. Tôi chạy nhanh xuống năm tầng lầu. Nhưng ra tới đường, nhìn hai bên, con đường vắng tanh. Tôi hổn hên” “Lạ quá!”, rồi hổn hên leo trở lên gác.

Sự xuất hiện đột ngột của Van Spreckdai khiến tôi ngây ngất bàng hoàng. Ngắm chồng “ducat” ngời sáng dưới ánh nắng, tôi ngẫm nghĩ: 
“Hôm nay, mình tính cắt cổ tự tử vì mấy đồng “florin” không đáng, bây giờ thì cả một sản nghiệp từ trên trời rơi xuống. Mình không mở con dao cạo ra là phải! Và từ đây về sau, nếu có ý nghĩ tự tử nữa thì mình nên hoãn lại ngày hôm sau. Sau những cảm nghĩ đó tôi ngồi lại đê tiếp tục vẽ nốt bức tranh. 
Chỉ cần bốn nét bút là xong. 
Nhưng tôi thất vọng não nề. Bốn nét bút đó tôi không vẽ được. Tôi mất tong cảm hứng. Nhân vật bí hiêm kia, tôi không thê nào hình dung ra mặt mũi. Tôi cố suy nghĩ, cố phác họa, nhưng không vẽ ra hồn. Tôi đổ mồ hôi có giọt.
Đúng lúc đó, tên quản lý bước vào phòng tôi, không gõ cửa theo thói quen. Hắn nhìn chồng tiền vàng, kêu lên:

- A ha! Tôi bắt được quả tang ông có nhiều tiền vàng như thế này, thế mà ông bảo là không có tiền!
Và mấy ngón tay nhọn hoắt của hắn quờ quạng về phía đống tiền vàng trên bàn.

Tôi ngẩn ngơ vài giây. Rồi chợt nhớ tên quản lý luôn hoạnh họe bấy lâu nay, tôi nhảy xổ tới thộp cổ hắn tống ra khỏi phòng, rồi sập cửa, làm hắn dập cả mũi.

Tất cả những việc đó xảy ra thật nhanh. Tôi nghe viên quản lý kêu ầm lên ở bên ngoài:

- Trả tiền đây! Đồ ăn cắp!

Những người mướn phòng xung quanh đổ ra ngoài. Tiếng họ lao xao:
- Có việc gì vậy?

Tôi mở cửa thật bất ngờ, đạp mạnh vào mông tên quản lý khiến hắn lăn ùng ục xuống lầu, có đến vài mươi bậc thang.

Tôi hét lên:

- Việc gì hả? Tôi tống cổ thằng chó đó xuống lầu. Chỉ có vậy thôi!

Xong, tôi khóa cửa lại trong tiếng cười của các bạn phòng bên.

Tôi rất hài lòng về chuyện vừa làm, xoa tay thích thú.
Chuyện xảy ra khiến tôi hứng chí. Tôi ngồi xuống toan tiếp tục vẽ thì có tiếng động kỳ lạ. Đó là tiếng báng súng đặt xuống vỉa hè. Tôi nhìn qua cửa sổ, thấy ba cảnh sát, súng dựng dưới chân, đứng canh trước cửa nhà. Tôi lo sợ hỏi thầm: “Thằng quản lý gãy tay, lọi cẳng chăng?”.

Các bạn có thấy điều kỳ quái trong đầu óc con người chưa. Ngày hôm qua tôi tính cắt cổ tự tử, mà bây giờ lại run rẩy khi nghĩ tới cảnh lính bắt về tội đạp tên quản lý té lầu!

Có tiếng ồn ào trên thang lầu, tiếng chân người, tiếng súng khua, tiếng những lệnh truyền cộc lốc.
Bỗng người ta cố mở cửa phòng tôi. Cửa đã khóa. Có tiếng hô to:

- Mở cửa! Cho lính vào!

Tôi đứng lên, run rẩy, hai chân lảo đảo.

- Mở cửa!
Tôi có ý nghĩ muốn trèo lên mái nhà. Nhưng vừa ló đầu qua khung cửa sổ nhỏ bé, tôi giật thụt lùi, đầu óc choáng váng. Tôi thấy các cửa sổ ở tầng dưới với những cửa kính, những chậu hoa… dưới nữa là bao lơn, sau cùng là trụ đèn đường, bảng hiệu “Tônnelet Rouge” và sau hết là ba lưỡi lê sáng chóe đang chờ tôi rơi xuống đê đâm suốt từ lòng bàn chân đến gáy.

Trên mái nhà đối diện có con mèo to, màu hung đỏ, núp sau ống khói rình một đàn chim sẻ đang kêu chíu chít trên màng xối.

Tôi không thê hình dung mắt con người có thê thấy thật rõ và nhanh đến vậy trong khi lo sợ.

Bên ngoài người ta ra lệnh đến lần thứ ba:

- Mở cửa! Hay đê người ta phá cửa đây!

Thấy trốn không được, tôi lảo đảo đến cửa… vặn khóa.

Vụt một cái, hai cánh tay chụp lấy cổ tay tôi. Một người mập lùn, miệng đầy hơi rượu nói:

- Đây rồi!
Ông ta mặc áo xanh ve chai, gài nút tới cổ, đê râu rậm, đeo đầy cà-rá và tên là Passauf. Hắn là cảnh sát trưởng.

Bên ngoài có đến năm tên lính bồng súng nhìn tôi chăm chỉ.

Tôi hỏi Passauf:

- Ông muốn gì?

Hắn quát:

- Xuống lầu!

Và ra lệnh cho một tên lính nắm tay tôi lôi đi.

Mấy tên kia lập tức xông đến lục tung căn phòng nhỏ bé của tôi.

Tôi bước xuống lầu, dựa vào tên lính, như một kẻ ho lao đến thời kỳ thứ ba, tóc tai rối nùi, mỗi bước mỗi vấp.

- Tôi bắt anh !

Người ta vứt tôi lên xe ngựa, kẹp tôi giữa hai tên lính vạm vỡ. Khi chiếc xe chạy, tôi còn nghe có tiếng bước chân chạy theo của trẻ nhỏ.

Tôi hỏi một trong hai người lính:

- Tôi bị bắt về tội gì?

Tên này nhìn tên lính kia, mỉm cười một cách khó hiêu, nói:

- Này Hana, nó hỏi nó bị bắt về tội gì kìa?
Nụ cười đó khiến tôi sợ tái người.

Không lâu, một bóng mát bao trùm lên chiếc xe. Tiếng chân ngựa vang dưới nền gạch khô khốc. Chừng như tôi đã được đưa tới khám đường. Đối với tôi, bây giờ cái gì cũng trở lên đen tối.

Từ móng vuốt của tên quản lý, tôi rơi vào nơi ngục tối, nơi người vô thì nhiều mà người ra thì ít. Người ta giam tôi một cách thản nhiên như cất một đôi vớ trong tủ, rồi mặc kệ đó, nghĩ đến những chuyện khác.

Tôi ngồi bất động đến mười phút, nghĩ mông lung:

Thằng cha quản lý đã hét to: “Nó giết tôi” khi bị tôi đạp té xuống thang lầu. Nhưng hắn không nói rõ là ai giết hắn. Mình sẽ khai thủ phạm là ông già bán kính ở kế bên. Lão ta sẽ bị treo cổ thay cho mình.
Ý nghĩ đó làm tôi bớt lo. 
Tôi nhìn xung quanh phòng giam. Phòng mới quét vôi, không có một hình vẽ nào trên tường trừ một hình cái giá treo cổ mà kẻ vào đây trước tôi đã vẽ. Ánh sáng bên ngoài chiếu vào qua một lỗ tròn trên cao, cách mặt đất chừng ba thước. Đồ đạc trong phòng chỉ gồm một cái ổ rơm và một cái chậu.
Tôi ngồi lên ổ rơm, hai tay bó gối, buồn thảm không tả nổi. Tôi nghĩ là tên quản lý trước khi chết đã tố cáo tôi. Tự nhiên tôi thấy nhột ở chân như có kiến bò và tôi ngẩng cổ lên, húng hắng ho như có sợi dây siết mạnh ở cổ.

Ngay lúc đó tên cai ngục mở cửa bảo tôi đi theo hắn. Tôi rùng mình vì lúc nào hắn cũng có hai tên đồ tê vạm vỡ theo sau. Chúng tôi đi qua mấy dãy hành lang dài. Tôi thấy sau lưới sắt tên Jic Jack sắp sửa bị hành quyết vào sáng hôm sau. Hắn mặc áo bó sát tay chào và hát lên với giọng khàn khàn. Khi thấy tôi hắn kêu lên:

- Chào người anh em! Tôi sẽ dành cho người anh em một chỗ ở phía bên mặt.

Hai tên lính và viên cai ngục nhìn nhau cười trong khi tôi nổi da gà.
Viên cai ngục đẩy tôi vào một gian phòng cao, thật tối, có ghế sắp theo hình bán nguyệt. Phòng vắng vẻ, có hai cửa sổ cao đóng lưới sắt kín mít và pho tượng chúa bằng gỗ nâu, hai tay dang ra, đầu ngả xuống vai. Cảnh tượng đó khiến tôi hoang mang cực độ. Tất cả ý nghĩ vu khống trước đó bỗng dưng biến mất. Đôi môi tôi mấp máy cầu nguyện.

Đã từ lâu tôi không cầu nguyện, nhưng tai biến luôn luôn khiến con người khuất phục trước đấng vô hình.

Trước mắt tôi, trên ghế cao là hai nhân vật ngồi quay lưng về phía ánh sáng. Dù vậy tôi cũng nhận ra Nam tước Van Spreckdal nhờ cái bóng ông in trên cửa kính. Nhân vật thứ hai mập, má đầy thịt, hai bàn tay ngắn. Hắn cũng mặc áo thẩm phán như ông Van Spreckdal. Người phía dưới là lục sự Conrad. Hắn đang cho cán viết vào đầu lỗ tai. Khi tôi đến hắn dừng tay lại, nhìn tôi một cách tò mò.
Người ta bảo tôi ngồi xuống. Van Spreckdal cao giọng hỏi:

- Christian Vénius, làm sao anh có bức ảnh này?

Ông ta đưa lên bức tranh tôi vẽ chưa xong. Người ta trao bức tranh đó cho tôi. Sau khi xem, tôi đáp:

- Tôi là tác giả.

Im lặng khá lâu, rồi lục sự Conrad ghi lời nói của tôi. Tôi nghe ngòi bút của ông ta cào trên giấy và tôi nghĩ: “Câu hỏi đó có nghĩa gì? Nó có liên quan gì đến việc tôi đập thằng cha quản lý đâu!”
Van Spreckdal lại hỏi:

- Anh là tác giả, chủ đề của bức tranh là gì?

- Đó là bức tranh tưởng tượng.

- Anh có thấy các chi tiết này ở đâu không?

- Thưa không. Tất cả các chi tiết đều do tôi tưởng tượng.

Ông chánh án nói với giọng nghiêm khắc:

- Bị can Christian! Tôi yêu cầu anh nêu suy nghĩ cẩn thận. Đừng có nói dối!

Đỏ mặt, và với giọng bất bình tôi kêu to:

- Tôi nói sự thật!

Van Spreckdal nói:

- Lục sự ghi vào biên bản.

Ngòi bút lại chạy rần rật trên giấy.
Ông chánh án lại hỏi:

- Còn người đàn bà này. Người đàn bà mà người ta giết bên miệng giếng, anh cũng tưởng tượng ra nốt?

- Đúng vậy!

- Anh không hề nhìn thấy bà ta?

- Không hề!

Van Spreckdal đứng lên, bực mình. Nhưng ông ta ngồi xuống tham khảo ý kiến đồng nghiệp.
Hai bóng đen thẩm phán nổi bật lên trên nền sáng của cửa sổ, và ba người đứng sau lưng tôi. Không khí trong phòng im lặng đến ngột ngạt… tất cả đều làm cho tôi hoang mang lo sợ đến bải hoải. Tôi nghĩ thầm: “Họ muốn gì ở mình?

Bỗng Van Spreckdal nói với ba người lính:

- Đưa hắn lên xe. Chúng ta tới đường Metzrstrasse.

Rồi ông nói với tôi:

- Christian Vénius. Anh đang ở trong tình thế ngặt nghèo. Nếu anh thấy công lý của loài người cứng rắn thì anh chỉ còn chờ sự tha thứ của Chúa. Anh sẽ xứng đáng với tình thương của Chúa nếu anh thú tội.
Lời nói đó như búa bổ vào đầu tôi. Tôi ngã người ra sau, đưa tay lên trời kêu to:

- Trời ơi! Thật là một cơn ác mộng!
Rồi tôi ngất xỉu.

Khi tôi tỉnh lại, chiếc xe đang chầm chậm trên đường. Phía trước có một chiếc xe khác. Hai tên đồ tê vạm vỡ vẫn luôn kè kè bên tôi. Một tên mời bạn hút thuốc. Tôi đưa tay về phía bao thuốc, hắn vội vàng giựt tay lại, cho vội bao thuốc vào túi.

Mặt tôi đỏ lên vì xấu hổ. Tôi quay đầu vào vai che giấu cơn xúc động.

Bỗng tên lính có bao thuốc nói:

- Nếu anh nhìn ra ngoài chúng tôi bắt buộc phải còng tay anh lại.

Tôi nghĩ thầm: “Đồ chó! Quỷ sao không vật mày chết cho rồi!”.

Chiếc xe dừng lại. Một tên bước xuống. Tên còn lại nắm cổ tôi, khi thấy tên kia đã sẵn sàng đê đón tôi, hắn đẩy tôi xuống xe một cách tàn nhẫn. 
Tất cả những sự thận trọng đó cho thấy con người tôi đích thị là một kẻ bất lương. Nhưng tôi vẫn chưa hiêu rõ lời buộc tội từ phía hai ông thẩm phán.

Bỗng một cảnh tượng ghê gớm mở mắt tôi ra, đẩy tôi vào tận cùng tuyệt vọng.

Người ta đẩy tôi bước vào một con đường thấp, lót gạch lồi lõm, tường rỉ nước vàng, mùi hôi thối xộc vào mũi khiến tôi choáng váng.
Tôi mò mẫm đi giữa bóng tối, phía sau có hai tên lính vạm vỡ áp giải.

Đằng xa thấp thoáng một cái sân rộng. Càng đi tới gần tôi càng kinh sợ. Không phải một sự lo sợ thông thường, mà đó là một sự khiếp đảm ghê gớm, giống như một cơn ác mộng. Tôi chỉ muốn lùi lại, chứ không thê bước được.

Một tên lính đẩy mạnh vai tôi, ra lệnh:

- Bước tới chứ!

Đến đầu hành lang, tôi thấy trước mắt cái cảnh mà tôi vừa vẽ trong đêm qua.

Đúng là cái sân ở giữa những bức tưòng dày, có những móc sắt, những đống sắt vụn, chuồng gà, chuồng thỏ… không có một chi tiết nhỏ nào bị bỏ quên. Tôi như bị sét đánh ngang tai trước hiện tượng kỳ lạ đó. Hai ông thẩm phán đứng bên cạnh miệng giếng. Dưới chân họ nằm sóng sượt một mụ già. Mụ nằm dưới tóc tai rối bời, mặt tái ngắt, hai mắt mở trừng trừng, lưỡi thè giữa hai hàm răng. Thật là một cảnh tượng kinh tởm.

Van Spreckdal nói với giọng trịnh trọng:
- Sao, anh nghĩ gì?

- Anh có nhận đã ném mụ già này? Mụ Thérésa Beker xuống giếng sau khi bóp cổ giựt tiền của mụ ta?
Tôi gào to lên:

- Không! Tôi không biết mụ già này. Tôi không hề nhìn thấy mụ ta. Xin Chúa chứng cho tôi!
Van Spreckdal gắt:

- Thôi, bao nhiêu đó đủ rồi!

Không nói thêm một lời, ông cùng bạn đồng nghiệp bước nhanh ra.

Hai tên lính nghĩ là họ có bổn phận còng tay tôi lại. Họ đưa tôi trở về khám. Trong cơn bàng hoàng, lúc đó tôi hoàn toàn hoang mang, không biết có đúng là mình đã giết mụ già kia hay không.

Đối với những tên lính gác, tôi rõ ràng đã là một tên tử tội.

Tôi không kê ra đây cơn xúc động của tôi trong đêm đầu tiên nằm khám. Tôi ngồi thừ trên ổ rơm, nhìn qua khung cửa sổ nhỏ, thấy đoạn đầu đài xa xa. Tôi nghe tiếng người gác đêm kêu to lên trong thanh vắng: “Hỡi dân chúng Nuremberg. Hãy yên giấc. Một giờ!… Hai giờ!… Ba giờ!…”.
Tôi thắc mắc, nghĩ ngợi nhiều. Người ta bảo thà bị xử giảo vô tội còn hơn là có tội. Đúng! Nhưng đó là về phần hồn. Còn về phần xác thì chết vô tội hay có tội cũng y như nhau. Trái lại, phần xác vẫy vùng, tự giải thoát khi biết vai trò của mình đã chấm dứt bằng sợi dây thắt cổ.

Đó là những cảm nghĩ buồn thảm của tôi trong đêm ghê gớm ấy.

Ngày dần dần sáng, thoạt tiên còn mờ mờ rồi từ từ sáng tỏ. Bên ngoài, đường phố nhộn nhịp. Ngày hôm ấy nhằm ngày thứ sáu, ngày nhóm chợ. Tôi nghe rõ mồn một tiếng cọc cạch của xe bò chở rau cải, gà vịt. Tiếng gà kêu trong chuồng, tiếng những người nông dân trò chuyện với nhau khiến lòng tôi lâng lâng.

Khu chợ trước mặt khám đã mở cửa. Người ta chắc đang sửa soạn chỗ ngồi. Khi ngày sáng rực, tiếng cười nói của dân chúng vang lên. Những người đi chợ lui tới, bàn cãi, mặc cả giúp tôi đoán bây giờ vào khoảng tám giờ sáng.

Với ánh sáng, tôi yên tâm hơn. Những ý nghĩ đen tối trong đêm biến mất. Tôi cảm thấy thèm thấy những gì đang xảy ra bên ngoài.

Những người tù trước tôi đã đục những lỗ hổng trên tường đê leo lên khung cửa sổ cho dê. Tôi leo lên đó, đút đầu qua cái lỗ tròn nhìn ra ngoài. Tôi thấy đám đông, sự sống. Tự nhiên tôi chảy nước mắt. Tôi không nghĩ tới tự vẫn nữa. Tôi cần sống, cần thở. Đó thật là một điều phi thường. Tôi lầm bầm: “Được sống là hạnh phúc. Dù người ta bắt mình kéo xe hay xiềng chân vào sắt cũng mặc, miên sống được là được rồi!”.
Tôi lại nhìn sang chợ, nhìn những mụ già đang ngồi sau những thúng rau, giỏ gà… rổ trứng. Các người hàng thịt đang chặt thịt trên thớt. Mấy anh nông dân đầu đội nón nỉ rộng vành, chống gậy, chắp tay sau lưng hút thuốc.

Tiếng động của đám đông, sinh hoạt náo nhiệt của chợ giúp tâm trí tôi biết suy nghĩ và trong hoàn cảnh buồn thảm hiện tại tôi vẫn thấy sung sướng được còn sống trong thế giới loài người.

Khi tôi nhìn ra ngoài như vậy, có một người đi ngang qua. Hẳn là một tên đồ tê, đang nghiêng lưng vác một phần con bò trên vai. Hai cánh tay trần, khuỷu tay đưa lên trên, đầu cúi xuống. Tóc bay phất phới che kín cả mặt. Dù vậy, vừa thấy hắn ta là tôi đã giựt nảy mình.

Tôi nói thành tiếng:

- Chính hắn!

Tất cả máu trong người tôi chạy dồn về tim. Tôi leo xuống, toàn thân run rẩy đến cả đầu móng tay, tái xanh hết cả mặt mày, lẩm bẩm:

- Chính hắn!

Trong khi hắn tự do phây phây thì mình sắp chết thay cho hắn!

Chúa ơi! Bây giờ tôi phải làm gì? Phải làm gì?

Một ý nghĩ đột ngột, một sáng kiến từ trên cao lóe lên trong trí tôi. Tôi cho tay vào túi áo… hộp bút chì hãy còn trong đó. Tôi liền chạy ngay lại bức tường dày, vẽ lại khung cảnh xảy ra vụ ám sát với một hứng thú lạ thường, không còn có sự mơ hồ, dọ dẫm. Tôi biết kẻ sát nhân. Tôi trông thấy hắn dường như hắn đang làm mẫu trước mắt tôi.

Vào khoảng mười giờ, viên cai ngục bước vào khám giam. Nét mặt chim cú thường ngày của hắn nhường chỗ cho sự thích thú.
Bước trên thềm hắn hỏi:

- Có thê như thế chăng?

Tôi vẫn tiếp tục ngồi vẽ với tất cả sự phấn chấn tột cùng.

- Đi gọi các ông thẩm phán đến đây giùm tôi!

Tên cai ngục ngần ngừ:

- Các ông ấy đang chờ nơi phòng biện lý.

Tôi vẫn chăm chú vẽ nhân vật kỳ lạ trong bức tranh nói:

- Tôi muốn tiết lộ nhiều điều mới lạ với các ông thẩm phán.

Nhân vật tôi vẽ như sống thật. Bộ mặt hắn rất đáng sợ.

Tên cai ngục bước ra ngoài. Vài phút sau hai vị thẩm phán tới. Họ đứng nhìn bức tranh, kinh ngạc đến cực độ.

Tôi đưa cánh tay ra, cả người run rẩy, nói:

- Đây là thủ phạm!

Sau khi im lặng một lúc, Van Spreckdal hỏi:

- Tên hắn?

- Tôi không biết. Nhưng hắn hiện ở trong chợ, đang chặt thịt ở thớt thứ ba, bên trái nếu đi từ con đường Trabans vào chợ.

Van Spreckdal quay lại ông bạn đồng nghiệp:

- Ông nghĩ sao?

Ông thẩm phán kia trịnh trọng bảo:

- Cho người đưa hắn tới đây.
Vài tên lính đứng ngoài hành lang thi hành lệnh đó. Các thẩm phán vẫn đứng nhìn bức tranh của tôi. Còn tôi, tôi ngồi vật xuống ổ rơm, đầu gục lên gối mệt nhoài như chết.

Không bao lâu có tiếng chân vang lên bên ngoài. Những ai chưa hề chờ giải thoát, chưa đếm từng phút dài như những thế kỷ, những ai chưa biết đến xúc động cực mạnh của sự chờ đợi, của sự kinh hãi, của sự hy vọng, của hoang mang… những kẻ đó không thê thông cảm được rúng động của tôi lúc bấy giờ. 
Tôi nghe cả tiếng chân của tên sát nhân bước giữa đám lính. Tôi nghe họ tiến tới gần. Ngay cả hai vị thẩm phán cũng lộ vẻ xúc động. Tôi ngước đầu lên, tim se lại như có một bàn tay sắt đang siết chặt. Tôi nhìn chăm chú vào cánh cửa mở… Tên sát nhân bước vào.

Má hắn đỏ rực, hai hàm răng cắn chặt làm nổi bật hai thớ thịt, bạnh đến tận vành tai. Hai con mắt ti hí lo ngại, dữ tợn chợt như hai con mắt sói, long lanh dưới đôi chân mày rậm và nâu.
Van Spreckdal chỉ bức tranh cho hắn xem. Vừa nhìn, hắn tái mặt, rồi rú lên một tiếng dữ dội làm tất cả chúng tôi lạnh người. Đôi cánh tay vạm vỡ của hắn gạt bung mấy tên lính ra. Rồi hắn nhảy lùi ra đằng sau mấy bước. 
Một cuộc xung đột ác liệt diên ra ở hành lang. Người ta chỉ nghe tiếng thở hổn hên của tên đồ tê, những lời nói ngắn ngủi và tiếng chân của lính gác đổ lên. Cuối cùng là tiếng rơi nặng nề xuống sàn gạch.

Cuộc xung đột xảy ra hơn một phút.
Sau đó, tên sát nhân bước vào phòng, đầu cúi xuống mắt đầm đìa máu, tay bị trói thúc ra sau lưng. Hắn ngước nhìn bức tranh lần nữa, ra dáng suy nghĩ lung lắm, rồi nói nho nhỏ như nói với chính hắn:
- Làm sao lại có người trông thấy mình vào lúc nửa đêm?
Vậy là tôi thoát chết! (Erckman Chatrian)

Nụ cười của người đã chết


 



 Chồng tôi, Bert có một thói quen làm tôi rất khó chịu, lúc nào cũng cười được, khiến nhiều lúc tôi rất ghét. Trong mười lăm năm chung sống với anh ta, phải có tới mười hai lần tôi tính đến chuyện giết anh ta. Tuy nhiên, tôi chưa thực hiện, bởi cũng không thể giết người nếu không có lý do và cái cớ gì hết. 


Nhưng rồi Bert đã tạo cho tôi một cái cớ. 

    Tối hôm ấy, anh ta về đến nhà, mặt cau có: 


    - Betty, hôm nay anh gặp một chuyện xấu xa. Jack biển thủ một số tiền của Hội! Sáng mai anh sẽ tố cáo với cơ quan cảnh sát. 


    Tôi giật bắn người. Jack là nhân tình của tôi. Anh là thư ký riêng cho Bert và được Bert trả lương hậu hĩ. Nhưng Jack thích tiêu xài. Nói cho cùng, đây là lỗi của Bert. Nếu như Bert không bủn xỉn thì tôi đã có đủ tiền để cho Jack số anh ấy cần. 


    - Nếu vậy anh ta sẽ ngồi tù mất - tôi kêu lên - Nhưng chiều chủ nhật anh đã đi Mehicô. Nếu anh làm cho Jack bị bắt ngày mai, thì trong hai tuần anh đi vắng, văn phòng Hội sẽ bàn tán chuyện này và anh lại không có nhà để thanh minh. Tốt nhất là để đến hôm anh về đã. 


    - Em nói chí lý - Bert nói rồi ôm bụng, nhăn mặt. Từ lâu anh đã bị đau dạ dày vì ăn uống không chịu giữ gìn - Thôi được, để hôm nào đi Mehicô về anh sẽ tố cáo cũng được. 


    - Từ nay đến hôm đi, anh đừng tỏ vẻ gì để Jack nghi, đúng không, Bert? 


    - Cũng lại rất chí lý. Em nói bao giờ cũng đúng - Và anh cười toe toét. Bert có thói lúc nào cũng cười được, dù chuyện chẳng đáng cười chút nào hết. - Thôi, anh đi ngủ đây. Tối mai lại có buổi chiêu đãi lớn. Và sẽ có mặt Gordon mới thú chứ! 


    Gordon là nghệ sĩ hề nổi tiếng, chuyên dẫn chuyện trên đài Tryền hình, chương trình hài hước: "Cứ tìm đi, bạn sẽ thấy!". Bert rất mê ông ta và không bỏ một buổi trình diễn nào của Gordon. 


    Bert lên gác rồi, tôi ngồi lại một mình trong phòng khách. Ôi, Jack yêu quý! Anh ấy cao lớn, đẹp trai và biết cách đánh thức dậy mọi dây thần kinh, mọi thớ thịt của tôi. Bert lại hay phải đi công việc ở nơi xa, cho nên Jack càng có nhiều dịp bù lại cho tôi những thời gian tôi phải chịu đựng với lão chồng vô duyên. Nếu Jack phải ngồi tù thì tôi mất đi niềm sung sướng tột cùng ấy. Chưa kể rất có thể Jack sẽ nói ra hết mối quan hệ dan díu với tôi để kiếm tìm lòng khoan dung của Bert. Khi ấy, dứt khoát Bert sẽ tống cổ tôi ra vỉa hè và tôi sẽ lại không có đồng xu trong túi y hệt hồi chưa lấy Bert. 


    Tôi nhấc điện thoại gọi cho Jack: 


    - Anh yêu - tôi cố nói rất khẽ - Tối mai anh đến em nhé. Bert phải đi dự chiêu đãi. Em có chuyện cần bàn với anh. Không, đừng hỏi em chuyện gì. Chỉ biết là rất hệ trọng. Rất, anh nghe rõ chưa? Rất hệ trọng cho hai chúng ta! Thôi, gặp nhau em sẽ nói. 


    Tôi đặt máy xuống trước khi Jack kịp hỏi thêm. Sau đấy, tôi ngồi vào bàn ghi ra giấy những suy nghĩ của tôi. Tôi có kinh nghiệm muốn suy nghĩ rành mạch, tốt nhất là ghi ra giấy rồi nhìn vào đó mà cân nhắc. Gạch xóa, thêm bớt một lúc, tôi đã vạch xong kể hoạch mà tôi tính sẽ thi hành vào tối Chủ nhật, là buổi tối theo dự tính, Bert sẽ ra ga để đáp máy bay đi Mehicô. 


    Tôi xé vụn mảnh giấy vứt vào giỏ giấy lộn rồi đi ngủ.
    


    Đã đến chủ nhật. Chiều nay Bert sẽ ra ga xe lửa để ra thành phố, đáp máy bay đi Mehicô. Cũng sắp là lúc chấm dứt cuộc đời của anh ta. Tất nhiên Bert chưa biết gì hết, vẫn cười toe toét và đùa giỡn, kể chuyện tiếu lâm cho vợ nghe rồi lại tự mình cười rũ rượi. 
    Tôi làm bữa ăn tiễn chồng lên đường và Bert mời cả Jack để làm như không có chuyện gì. Tuy thỉnh thoảng Bert ôm bụng đau đớn, nhưng chỉ lát sau, đỡ đau, anh ta lại làm trò và cười vang. Anh ta kể cho tôi và Jack nghe về cuộc gặp với nhà hài hước nổi tiếng Gordon hôm trước cùng những câu nói cực kỳ hóm hỉnh của ông ta. 


    Jack có vẻ hồi hộp. Mồ hôi đổ trên trán và bàn tay anh nhiều lần run lên. Nhưng Bert không nhận thấy gì hết. Lát sau, Bert nói: 


    - Tôi xuống lấy xe đem ra đỗ ở cửa nhà nhé? Cẩn thận thế kẻo đến lúc nổ máy lại tắc tịt thì gay.
    Anh ta cười lớn và lúc đã ra ngoài, tôi còn nghe thấy anh ta tiếp tục cười. Đúng là mình vớ phải thằng chồng vô duyên! Jack ngồi lại, thấm mồ hôi trán, nói giọng lo lắng: 


    - Betty! Chẳng lẽ không còn cách giải quyết nào khác nữa à? Ý anh muốn nói là nếu anh ngồi tù thì nhiều lắm cũng chỉ một năm thôi. Mà nếu anh nói khó với Bert thì có khi không phải ra tòa ấy chứ. Bert xưa nay tính tình rộng rãi, dễ tha thứ cho người nào tỏ ra ân hận. 


    - Anh yêu, em hiểu anh đang băn khoăn. Nhưng anh chưa biết lão chồng em đấy thôi. Lão thâm lắm. Lão không tha thứ đâu. Lão sẽ bắt anh phải chịu hình phạt cao nhất. Và khi anh đã ra tù, lão cũng còn tiếp tục trả thù. Với lại anh phải nghĩ đến em chứ. Dù một năm thôi em cũng không sao chịu nổi. 


    Tôi ôm anh. Hai đứa hôn nhau một lúc lâu, đê mê. Lúc buông tôi ra, Jack nói: 


    - Thôi được. Vì em, anh dám làm mọi thứ. Vả lại, cũng không còn cách nào nữa thật. 


    - Anh yên tâm, anh yêu. Em đã trù tính cặn kẽ cả rồi. 


    Bert quay lên. Tôi đã tập cách giấu kín tình cảm nên anh ta không biết gì hết. 


    - Em nhét lọ thuốc dạ dày vào vali của anh rồi chứ, Betty? 


    Tôi gật đầu và chợt nhìn thấy có vết bẩn trên áo, chắc là lúc ôm tôi hôn, trên tay đang cầm ly, Jack đã làm sánh rượu ra. 


    - Ôi, em phải thay áo mới được! 


    Nói xong, tôi chạy lên gác thay áo. Lúc tôi xuống thì Bert và Jack đã ngồi trong xe. Bert đang kể cho Jack nghe về một thư ký của anh ta ngày trước do thụt két đã phải ngồi tù sáu năm. Tôi biết Bert phịa, cốt để dọa Jack. Càng hay! Càng làm Jack quyết tâm giết Bert hơn. 


    Tôi cầm tay lái. Bert ngồi ghế trước bên cạnh tôi, còn Jack ngồi ghế sau. Dọc đường Bert liên tiếp kể chuyện tiếu lâm và ca ngợi tài hài hước của ông Gordon. Và chỉ mỗi mình anh ta cười ầm lên. Jack chỉ hơi mỉm cười, chắc trong lòng đang rất hồi hộp không còn bụng dạ đâu nghe chuyện hài hước. 


    Gần đến ga xe lửa, đến một chỗ hai bên là cánh đồng trống trải, tôi đỗ xe lại. 


    - Xe làm sao à? - Bert ngạc nhiên. 


    - Không, - tôi đáp - Nhưng hôm nay trời đẹp, ta ngắm phong cảnh một chút. Còn sớm. Cứ bao giờ thấy tàu đến, ta ra ga cũng kịp. Nghe báo tàu bao giờ cũng đến trễ, nửa giờ là ít. 


    - Em nói đúng, Betty! - Bert nói - Ôi anh nhớ lại một chuyện hài hước. Có một thằng cha chuyên môn nhỡ tàu, một hôm y... 


    Tôi không nghe. Tôi ngán đến tận cổ cái thói kể chuyện hài hước của anh ta rồi. Bỗng hai luồng sáng lóe lên từ phía xa. Tàu đến. 


    - Đi đi, em! - Bert giục. 


    - Đúng. Jack! - Tôi ra hiệu lệnh. Jack liền cầm khúc ống nước bằng kẽm quật mạnh lên đầu Bert. Bert thét lên, quay đầu lại nhìn, nhưng Jack quật luôn một đòn nữa và Bert gục hẳn. Tôi không ngờ chóng vánh đến thế. Đột nhiên, Jack kêu lên hoảng hốt. 


    - Ông ta chưa chết! 


    Tôi lắng nghe và đúng là có tiếng khò khè từ cổ họng Bert thoát ra, nhưng tiếng rên đã rất yếu. Tôi nói: 


    - Nhưng chỉ một lát thôi. 


    Đúng thế. Chỉ lát sau tiếng khò khè đã hết. Máu chảy xuống nệm, nhưng tôi đã chuẩn bị để sẵn một tấm khăn bông dày. Tôi lấy tấm khăn khác trùm lên đầu Bert, ấn đầu anh ta thấp xuống để người bên ngoài xe có ngó vào cũng không thấy. 


    - Đến ngôi nhà có ma! - Tôi nói và nổ máy. Vài phút sau, tôi quặt xe xuống con đường nhỏ và đi vào bãi lầy. 


    Chẳng là ở đây có một ngôi nhà tồi tàn giữa một khu vườn rộng, thuộc sở hữu của Bert. Đã có thời hai vợ chồng sống ở đây. Ngôi nhà có ma cho nên ít lâu sau tôi đòi Bert phải rời nơi đó. Từ đấy, ngôi nhà vẫn bỏ hoang và bây giờ đổ nát rất thảm hại. Trận bão năm ngoái lại làm đổ một cây to, rơi xuống đúng mái nên trông bây giờ càng thảm thương. 


    - Ta đào hố dưới tầng hầm chôn lão. Em có mang theo thuổng và cả cào để cào cho phẳng nắp mộ rồi. 


    Tôi đỗ xe, lôi xác Bert ra để tạm ngoài vườn, rồi dẫn Jack vào nhà. Lúc Jack đào xong huyệt, chúng tôi ra định khiêng xác Bert vào thì không thấy anh ta đâu. Chúng tôi hoảng hốt tìm xung quanh. Đột nhiên, Jack kêu lên: 


    - Nhìn này, Betty! 


    Tôi cúi xuống, thì ra một vỏ bao thuốc lá. 


    - Hay vừa có người đến đây và đưa Bert đi? - Jack hốt hoảng nói. 


    Tôi xem kỹ bao thuốc, bao ẩm và rõ ràng là bị vứt đây đây đã khá lâu. 


    - Nơi này thỉnh thoảng vẫn có người đến cắm trại chơi vì là hơi vắng vẻ. Nhất là mấy cặp nhân tình, mò đến đây cho kín đáo, có vậy thôi. Không có ai đến hết. 


    Chúng tôi tiếp tục tìm. Bỗng dưới ánh sáng chiều tà lúc trời sắp tối, tôi thấy một bụi cây động đậy. Tôi vội chạy đến. Bert trong đó, đang bò rất vất vả. 


    - Betty yêu quý - anh ta nói thều thào - Việc em làm vừa rồi đúng là hài hước. Nhưng anh chưa chết hẳn. Em phải làm lại vậy - rồi anh ta cười nhe cả răng. 


    Nhưng cũng đúng lúc ấy, anh ta giẫy một cái rồi bất động. Hai mắt nhắm lại, lăn ngửa ra đất. Tôi sờ mạch. Bây giờ thì Bert đã chết hẳn. Chúng tôi khiêng anh ta vào nhà, đưa xuống tầng hầm. Jack run lẩy bẩy. Anh ta rất sợ. Lát sau, chôn Bert xong, chúng tôi ra xe. Jack nhấc chai rượu tu một ngụm. Chúng tôi ra ga. Jack đem gởi va li của Bert và cặp giấy tờ vào ngăn "gửi hành lý". Làm thế, đến khi phát hiện Bert mất tích, cảnh sát sẽ nghĩ rằng Bert ra ga sớm, gửi hành lý để đi uống gì đó và mất tích ngoài phố.
   
    Hôm đó là Chủ nhật. Mọi sự trót lọt một cách quá đơn giản. Nhưng đến ngày thứ ba, tôi nhận được một lá thư của Bert, đóng dấu bưu điện ngày thứ hai. Chỗ tên người gửi đề: 


    "Người đã quá cố Bert Willoughby. Tầng hầm. Ngôi nhà có ma." 


    Vậy là sao? "Quá cố" có nghĩa anh ta đã chết! Tôi luống cuống bóc phong bì. Và đây là nội dung lá thư: 


    "Betty thân yêu, 


    Chào em. Thay mặt những người đã chết, anh chào em và khen ngợi vụ giết người đầu tiên của em trên đời. Em là cô gái thông minh và can đảm, nhưng vì là lần đầu, chưa có kinh nghiệm, nên em làm chưa gọn lắm. Anh rất cảm ơn em là đã chấm dứt cho anh nỗi đau đớn liên miên. 


    Đau đớn gì à? Anh bị ung thư dạ dày và chỉ vài tuần nữa anh sẽ chết. Anh không nói với em vì nghĩ cũng chẳng để làm gì. Anh muốn được chết cho mau để khỏi phải chịu nỗi đau đớn kéo dài, mà đằng nào rồi cũng chết. 


    Anh biết em với Jack đã phản bội anh từ lâu và nhân dịp này anh tạo điều kiện cho em có cớ để giết anh. Anh phóng đại chuyện cậu ta ăn cắp tiền của Hội. Anh nghe lỏm điện thoại em gọi cho cậu ta. Anh cũng nhặt những mảnh giấy em tính toán kế hoạch giết anh mà em xé vụn và chắp lại để đọc. Anh rất mừng thấy kế hoạch của em chu đáo. 


    Lúc ra xe, thấy Jack vẫn còn ngập ngừng, anh đã bịa ra câu chuyện tên thư ký của anh biển thủ tiền công quỹ và bị tù sáu năm để khích cậu ta. 


    Cảm ơn em lần nữa, em yêu quý. Gởi lời hỏi thăm Jack. 


    Yêu em. Bert."


    Tôi đang đọc đi đọc lại lá thư để hiểu hết ý nghĩa thật của nó, thì có tiếng gõ cửa. Cảnh sát vào và yêu cầu tôi đến Tòa án để quan chức ở đó thẩm vấn về cái xác của ông Bert Willoughby. Tôi sửng sốt và kinh hoàng. Tại sao họ lại biết được? Hay Bert, "người quá cố" đã gửi thư cả cho họ? 


    Thì ra trước hôm đi, Bert đã năn nỉ một quan chức cảnh sát hãy cố gắng xem chương trình "Hãy tìm và bạn sẽ tìm thấy" trên truyền hình vào tối thứ hai. Trong đó, ông Gordon nhà hài hước sẽ kể một câu chuyện tiếu lâm có nói đến một cái xác vô thừa nhận chôn dưới tầng hầm của "ngôi nhà có ma" gần con đường ra ga xe lửa! 


    Sau này, trước khi ra Tòa chịu án cùng với Jack, tôi còn được biết là chính Bert trước khi "đi Mehicô" đã khẩn khoản yêu cầu nhà hài hước diễn tiết mục đúng như Bert đã viết và đưa vào chương trình của ông tối Thứ hai! Và, tất nhiên lá thư cho tôi anh ta cũng viết từ trước và nhờ ai đó chiều thứ hai mới bỏ vào thùng thư!

Robert Arthur
 
Copyright © 2013 Món ăn tinh thần | Powered by Blogger