Tuesday, August 26, 2014

Mái ấm hạnh phúc của đôi vợ chồng khuyết tật

Mái ấm hạnh phúc của đôi vợ chồng khuyết tật


 t1.jpg

Bò bằng 4 tay chân, chị Hồng Kiên di chuyển từ nhà vệ sinh vào bếp chuẩn bị bát mì rồi gọi con dậy ăn sáng; còn anh Hồng Thức ngồi trên 2 chiếc ghế để giặt giũ.
Anh Phạm Hồng Thức và chị Hoàng Hồng Kiên là đôi uyên ương vàng của làng thể thao khuyết tật Việt Nam. Chung sống với nhau đã 10 năm, mái ấm của họ hạnh phúc với cậu con nay được 5 tuổi. 
Căn phòng trọ nhỏ nằm sâu trong làng Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), ở dãy trong cùng, trước sân có vài chiếc xe lăn và đống chổi. Bên trong nhà bày biện đơn giản, tất cả vật dụng đều đặt ở tầm thấp để hai vợ chồng - chồng thì mất 2 chân đến đùi, vợ bại liệt không thể đứng - dễ lấy. Nổi bật trong nhà là hàng chục chiếc huy chương, chủ yếu huy chương vàng và nhiều bằng khen treo thành hàng dài trên tường.

Kết hôn 10 năm, chưa từng có một lễ cưới nhưng vợ chồng Hồng Kiên và Hồng Thức luôn yêu thương, bù đắp cho nhau. Ảnh: NVCC.
Mất hai chân, anh Hồng Thức di chuyển trên hai chiếc ghế. Anh vo gạo, cắm cơm, nhặt rau rồi nấu bữa tối nhanh nhẹn như bất cứ người đàn ông lành lặn nào khác. Khi chị Kiên về nhà thì mâm cơm nóng hổi có thịt kho, mực nướng, rau muống xào tỏi đã bày trước mặt. Bé Tuấn Anh quậy đủ trò quanh bố mẹ. Cả nhà cười vang trong căn phòng nhỏ.
Anh Thức là con cả trong một gia đình ở Gia Lâm, Hà Nội. Năm 14 tuổi, anh bị tai nạn tàu hỏa mất đi đôi chân. Không còn được đi học, được chạy nhảy, cuộc sống như sụp đổ trước mắt anh. Theo thời gian, nỗi đau cũng dần nguôi ngoai, anh làm những việc phù hợp để nuôi bản thân như sửa xe, chạy xe ôm, chăn nuôi lợn gà...
Năm 2002, anh Thức (khi đó 27 tuổi) nghe nói Trung tâm thể thao Khúc Hạo đang tuyển vận động viên tham gia Paragame 2. Anh xin tham gia môn điền kinh và mang về cho Việt Nam hai giải bạc. Tại đây, anh quen biết chị Kiên, người con gái dân tộc Tày quê ở Đình Lập, Lạng Sơn.
t2.jpg
Trong 10 năm thi đấu, anh Thức giành được nhiều giải vàng quốc gia. Ảnh: NVCC.
Chị Hồng Kiên năm nay 34 tuổi, là người phụ nữ năng nổ và giàu nghị lực. Chị bị liệt sau một trận cảm khi mới 4 tháng tuổi. Mẹ chị cũng là một người phụ nữ khuyết tật phải một mình nuôi 3 đứa con. Tuổi thơ của chị là chuỗi ngày buồn bã, không được đi học, bị kỳ thị, khinh thường.
Năm 20 tuổi, chị trốn nhà xuống Hà Nội xin việc. 100.000 đồng mang theo gần hết nên hai đêm liền chị phải ngủ ngoài bến xe. Sáng thứ hai, chị đến Hội người mù Hà Đông xin việc và được nhận vào bán chổi. Hàng ngày, chị buộc 20 cái chổi và tăm lên xe, dùng tay lăn bánh xe len lỏi vào các ngõ ngách ở Hà Nội. Mỗi ngày, chị đều tìm một con đường mới và phải cố về trụ sở hội trước 16h để ghi sổ và lấy hàng cho ngày mai. Thời gian đầu đi làm, đôi tay chị bị bầm dập đau đớn. 
Hết tháng đầu, chị Kiên đã có tiền gửi về quê cho mẹ và đón một người em khác xuống làm dệt lụa ở Vạn Phúc. Tháng 6/2003, chị bị tai nạn, người không sao nhưng chiếc xe thì hỏng. Ra Trung tâm thể thao Khúc Hạo nhận xe mới, một huấn luyện viên đã mời chị tham gia chơi thể thao. Vì phải lo kiếm tiền nên chị mất khá nhiều thời gian suy nghĩ, cuối cùng cũng quyết định thử vận may cuộc đời.
"2h sáng, tôi lăn xe 11 km lên sân vận động Hàng Đẫy, đến nơi 5h phải ra sân tập nhưng tôi chẳng tập được bao nhiêu vì đã thấm mệt. Hết giờ tập, tôi cảm giác thân mình như quả chanh vắt đến kiệt quệ nhưng vẫn phải đi bán chổi để có tiền trang trải cuộc sống", chị tâm sự. Hai tháng trước Paragame, Hồng Kiên nghỉ làm, chuyên tâm luyện tập. Chị buộc phải nợ tiền nhà, nợ gạo, nợ dầu... Cũng lúc đó ở quê, nhà chị bị cuốn trôi sau trận lũ lớn. Cô gái 23 tuổi quyết tâm luyện tập và tin vận may sẽ đến với mình.
"Tôi thi điền kinh xe lăn nữ được 2 giải vàng. Nhận được số tiền thưởng 30 triệu đồng, tôi làm luôn cho mẹ ngôi nhà khá to đẹp so với nhà ở quê. Lần đó, được ngân hàng thưởng một triệu đồng tài khoản tiết kiệm, tôi rút hết trả tiền nhà, gạo, dầu", chị cười sung sướng.
2_1408761888.jpg
Một chủ hiệu ảnh cưới chủ động tìm đến chụp tặng cho gia đình anh Thức, chị Kiên một bộ ảnh cưới. Ảnh: NVCC.
Sau Paragame 2, tình yêu của hai vận động viên Hoàng Hồng Kiên và Phạm Hồng Thức nảy nở. Họ tiếp tục thi đấu và mùa giải nào cũng giành vài giải cao về cho đất nước. Chị Kiên giành được hơn 10 giải vàng châu Á, còn anh Thức có rất nhiều giải vàng quốc gia. Tình yêu của họ lớn lên qua những lần tập luyện, thi đấu.
"Ngày 28/10/2004, chúng tôi dọn về sống chung. Tài sản ban đầu chỉ có một cái bếp dầu, một tivi đen trắng. Vì nghèo nên vợ chồng tôi chỉ đăng ký kết hôn chứ chưa từng tổ chức đám cưới", chị Kiên chia sẻ. Ngoài luyện tập thể thao, anh Thức chạy xe ôm, chị Kiên vẫn đi bán chổi để có thêm thu nhập.
Mong muốn có một đứa con nên khi vợ có thai, anh Thức xin nghỉ tập đưa vợ về Lạng Sơn sinh nở. Việc mang bầu với người lành lặn không đơn giản, với chị Kiên càng khó khăn gấp bội. "Sáng sớm vợ tôi phải chợ mua thức ăn về nấu nướng cho 20 công nhân làm tăm tre, chổi. Bụng cô ấy thì to mà phải bò nên cứ ngã dập bụng xuống đất liên tục. Mỗi lần như thế hai đứa lại lo, phải đi siêu âm suốt", anh Thức nhớ lại.
Bình thường chị Kiên nặng 53 kg, khi mang bầu tăng lên 81 kg. Từ tháng thứ 4, chị không thể tự ngồi lên được. Mỗi đêm, anh Thức phải dậy không dưới 5 lần đưa vợ đi vệ sinh. Chị Kiên thương chồng nhiều đêm phải cố nhịn. "Suốt 9 tháng mang bầu và 5 tháng sau sinh, chồng tôi cứ trải áo mưa ra chỗ mát, đặt tôi nằm lên đó để anh ấy gội đầu cho. Cũng chỉ có chồng vất vả nâng tôi lên để thay bỉm, phải đổ bô, tự giặt hết cho hai mẹ con", chị xúc động cho biết. Cuộc đời chị chưa từng được ai chăm sóc, đối xử tốt nhưng anh chính là sự bù đắp tất cả cho chị.
Sinh con xong, anh chị lại xuống Hà Nội tiếp tục tham gia thi đấu. Họ cũng mở một xưởng làm tăm, chổi tạo việc làm cho những người khuyết tật. Sản phẩm của họ cung cấp cho hơn 60 đại lý bán lẻ trên địa bàn Hà Nội. Đối với hai vợ chồng, hạnh phúc lớn nhất là con trai khỏe mạnh, đáng yêu. Anh chị làm lụng vất vả là để dành cuộc sống tốt đẹp nhất cho con.
VnExpress/Phan Dương

Post a Comment

 
Copyright © 2013 Món ăn tinh thần | Powered by Blogger