Friday, December 19, 2014

Quả báo (Hồi 4)

Quả báo (Hồi 4)



Sau khi bàn định với Tái Côn Lôn , Bán Dạ Sinh dọn về trọ buồng sau của một cái miểu. Ðây là miểu thờ ông Trương Tiên, phòng ốc rất nhỏ. Miểu này trưóc kia không chịu cho ai thuê ngụ, nhưng vì Bán Dạ Sinh trả giá cao, gấp đôi giá người khác, nên ông từ phá lệ cho Sinh trú ngụ. 
 
Tại sao Bán Dạ Sinh chịu trả giá cao như vậy? Vì ông Trương tiên tại miểu này rất linh thiêng, đàn bà đến cầu tự rất đông, Bán Dạ Sinh lợi dụng chổ này làm nơi để chọn người đẹp. Quả thật, từ khi Bán Dạ Sinh vào trọ, hàng ngày thấy biết bao lượt các bà các cô đến dâng hương. 
 
Họ không giống với những người đàn bà đi dâng hương tại các chùa miểu khác. Ở đây trong số mười người, có đến một hai người tạm được. Bán Dạ Sinh buồn chán vì rình mãi mà không hề thấy được một phụ nữ xuất sắc, mà sao đàn bà con gái tầm thường cứ lũ lượt đến dâng hương cầu tự. 
 
Chẳng biết làm gì cho hết ngày, chỉ ở miết trong phòng không thèm rình sau hương án nữa, dặn hai đứa tiểu đồng khi có giai nhân đến thì mật báo cho mình mà thôi. Tuy thất vọng nhưng chẳng lẽ Bán Dạ Sinh lại ra thông báo cấm phụ nữ xấu xí đến, mà chỉ có người đẹp được đến thôi hay sao?
 
Chùa miểu nào cũng có phụ nữ đến dâng hương, trong số nhiều người già, ít người trẻ. Người già và trung niên thì được hai phần, còn người trẻ chỉ có một phần mà thôi, do đó người coi được thì ít mà người coi không được thì đông. 
Ở đây thì khác, người ta đến đây để cầu tự, cho nên không có những người già hoặc trung niên bởi vì đối với những người này thì hoặc kinh nguyệt đã dứt, sinh lý không còn, hoặc sinh lý sắp dứt, đường con đã tuyệt, rốt lại chỉ có bọn trẻ tuổi đến đây dâng hương mà thôi, trong số này thỉnh thoảng cũng có người trung niên đi nhưng không nhiều. 

Mà phàm là con gái mười bốn tuổi trở ra, hai mươi tuổi trở lại, trong khoảng tuổi nầy, bất luận đẹp hay xấu, cô nào cũng má đỏ hây hây, nhìn thấy cũng động lòng, cho nên trong mười người, cũng có một hai người coi được.
 
Bán Dạ Sinh lắm hôm cũng dậy sớm, ăn diện tề chỉnh rồi đi qua lại trước bàn thờ như kép chính trên sân khấu, khi thấy phụ nữ đến, thì núp sau tượng của Trương Tiên, nghe đạo sĩ cầu nguyện cho người đẹp rồi xem người đẹp xưng tên dâng hương khấn vái, có thể nói mãn nhãn không sót một tý gì, xong rồi bất thình lình bước ra ngoài.
 
Các bà các cô trông thấy dung mạo đẹp đẽ, cốt cách phong lưu của Sinh, ai cũng kinh hoàng, ngỡ là lòng chí thành của mình mà Trương Tiên hiển kinh xuống trần để cho con, nhưng khi Sinh phe phẩy đi qua, họ mới nhận ra là người trần, thì linh hồn họ đã bị tiên sống cướp mất rồi, họ như mê dại, có người thì liếc mắt đưa tình, lưu luyến không dứt được, cũng có người cố ý làm rớt khăn hoặc vờ quên quạt cho dễ làm quen.
 
Cho nên mỗi ngày từ sáng đến tối, Bán Dạ Sinh thường nhặt được mấy loại kỷ vật thành ra đâm kiêu, cử chỉ tỏ ra rất tùy tiện, còn tinh thần thì càng lúc càng thêm phóng đãng. 
 
Sinh đoan chắc đàn bà đẹp ở đời nhất định phải thuộc về mình, đàn bà phải sẳn lòng dâng hiến mình cũng không có gì quá đáng. 
 
Từ khi mới vào trọ sau miểu, Sinh đóng một quyển sổ riêng dấu trong túi, trên bìa ghi bốn chữ "Quảng thu Xuân sắc" (thu thập rộng rãi các vẻ đẹp).
 Phàm là các bà các cô đến dâng hương mà có chút nhan sắc, Sinh đều nghe lén rồi ghi trong sổ chi tiết nào tên gì, tuổi tác bao nhiêu, họ tên chồng là gì, nhà cửa ở đâu, tả dáng người vẻ đẹp vân vân, lại dùng bút son khuyên tròn để định cao thấp. 
Ðặc hạng thì khuyên ba vòng, thượng hạng thì khuyên hai vòng, trung hạng thì khuyên một vòng, còn phía sau thì lại thêm rồi phê bút viết theo lối tứ lục như trong bài thi hương, để biểu thị ưu điểm của đương sự.
Sinh có được những chi tiết kể trên là nhờ mỗi lần có ai đến dâng hương, vị đạo sĩ đều hỏi căn cước đầy đủ, Bán Dạ Sinh chỉ cần để ý nghe, rồi khi người ta đi rồi, thì lấy sổ tay ra ghi lại không khó khăn gì cả. Chính cũng nhờ vậy mà chưa đưọc mấy tháng đã Sinh đã ghi chép đầy đủ lai lịch của nữ sắc trong vùng.
 
Có điều lúc ngắm người thì Sinh dễ dãi, khi tuyển chọn ghi vô sổ thì hết sức nghiêm khắc. Trong sổ tay đã ghi nhiều tên, nhưng mới có loại thượng hạng hoặc trung hạng, còn đặc hạng thì chưa được một người, Sinh nghĩ thầm:
 
"Chí hướng bình sinh của ta là phải lấy cho được đệ nhất giai nhân trên đời. Người vợ ta cưới trước tiên thì ở quê nhà đã là vào bậc nhất rồi, nhưng nay xem lại thì số người đẹp như nàng rất đông, vì thế không thể xếp nàng vào bậc nhất nữa. 
 
Người đẹp trong thiên hạ há chỉ có người vào hạng bảng nhãn thám hoa mà không có người vào hạng trạng nguyên hay sao. Chắc là phải có một người ta chưa tìm gặp đấy thôi. 
 
Những người có tên ghi trong sổ chỉ thuộc trung hạng mà thôi, cứ ghi để đó, bao giờ không tìm được người bậc nhất thì sẽ đôn lên. Ta hãy nán đợi thêm vài hôm nữa, xem những người vô sau này thế nào.
 
Từ đó, không những Sinh chọn người gắt gao hơn, mà ngay khi xét người, cũng không rộng rãi như trước nữa.
 Một hôm, vì tinh thần mệt mỏi, Sinh đang nằm ngủ trong phòng sau miếu thì chợt có tên gia đồng từ ngoài chạy vào,hổn hển bảo rằng:
 
"Công tử, mau dậy xem người đẹp, trễ một khắc là không trông thấy đấy."
 
Bán Dạ Sinh vội bò dậy, chít khăn mới, mặc áo đẹp, lại còn soi gương, dịp may tưởng muốn lỡ. Sinh liền vội bước ra, thì thấy hai cô trẻ tuổi, một người áo đỏ, một người áo màu cánh sen, cùng đi có một người đẹp cỡ trung niên vận áo lụa huyền. Cả ba dáng vẻ đài các, dâng hương mới xong và sắp sửa ra về.
 
Từ xa, Bán Dạ Sinh nhìn thoáng qua hai cô gái. Họ quả là thần nữ vu sơn, tiên phi lạc phố, khác xa những người đã gặp trước đây. 
 
Phép ngắm phụ nữ cung như ngắm một bức tranh, không nên ngắm từng nét trước mà phải đặt cách xa rồi nhìn xem thần khí thế nào. Thần thì tốt, tức tranh đẹp, thần khí yểm yểm, không sinh động tức tranh xấu. Tuy nhiên, đối với người phụ nữ, muốn thấy hết các nét đẹp trong tư dung thì lại phải nhìn thật gần. 
 
Nét đẹp ấy có thể nói là ở trong hình thể thì lại không phải trong hình thể, nó kỳ kỳ ảo ảo thật khó diễn khó tả.
 
Ðược chứng kiến ba nhan sắc tuyệt trần mà hụt mất dịp nghe lúc họ khấn khứa để biết tên tuổi, Bán Dạ Sinh như điên như dại. Biết họ chưa trở ra, Sinh chạy vòng đến thềm cửa, thụp quỳ xuống cúi đầu hướng về bên trong miểu mà dập đầu lia lịa, báo hại hai tên gia đồng và vị đạo sĩ kinh hoàng há miệng trợn mắt, chỉ sợ các cô nổi giận.
 Ai ngờ, tuy ngoài mặt Sinh si mê như điên cuồng, nhưng trong bụng đã chứa sẵn chủ trương. Sinh nghĩ:
 
"Một là, nếu ba người phụ nữ này đến cùng mục đích với mhững người mình đã gặp trước, thì khi họ hiểu mình quá ngưỡng mộ nhan sắc đến nỗi mình quỳ lạy, mặc dù trước mặt đông người họ không tiện đáp lễ, chắc là họ không giận lắm. Hai là nếu họ cương nghị, không bằng lòng sự phóng túng, mà nổi nóng bắt bẻ, thì sẽ đổ thừa là mình cũng đến miểu Trương Tiên này để cầu tự, vì thấy bên trong có nhiều phụ nữ, không tiện bước vào, nên quỳ lạy ngoài thềm cửa. 
 
Biết đâu, một khi rõ là mình ngụ trong miếu, họ chẳng đến nữa làm quen, cho biết tên tuổi, mình hết còn thui thủi như bấy lâu. Thực ra ba nàng không biết Sinh trọ ở đây, lại cho rằng cũng là người đến đây cầu tự. Họ đứng tránh sang một bên, đợi Sinh lạy xong mới cất bước ra về. 
 
Lúc Sinh hướng về mình để lạy, hai cô trẻ tuổi đều nhìn Sinh, có điều mặt không lộ vẻ gì. Riêng người đẹp trung niên tỏ ý đẹp dạ, che miệng cười tủm tỉm, lại như thúc hai cô kia nhận lấy cho người tấm lòng thành. 
 
Lúc quay đi, người đẹp này còn liếc nhìn Bán Dạ Sinh mấy lần.
 
Bán Dạ Sinh ngây người, không nói nên lời, trong bụng nghĩ: "Tư dung của hai cô trẻ khỏi phải nói rồi, ngay như người đẹp trung niên kia, thì nhan sắc đâu kém gì hai nàng trẻ tuổi. 
 Không cần nói chi khác, chỉ cặp mắt nàng ấy cũng thật vô giá, hai đồng tử long lanh như biết nói vậy. 
 
Ban nãy, nàng đã liếc mắt đưa tình, nhưng vì bận ngắm hai nàng kia, mình không kịp đáp lễ, thật là vô tình. Tuổi nàng tuy hơi lớn, tư dung tuy sút giảm, da thịt có hơi đẫy đà, nhưng có thua sút bất cứ ai. 
 
Ðã đi chung với hai cô xinh đẹp kia, nếu không phải là chị em bạn dâu, chắc cũng bà con chi đây.
 Thôi thì tiêu chuẩn sắc đẹp cũng nên châm chước cho nàng đôi phần, huống chi dáng điệu tình tứ thật đáng yêu. Còn hai cô kia miễn chấp cho mình như vậy, chắc hẳn là người biết điều, một khi biết được tung tích, lo gì không gần gũi với mình về sau. Nhưng biết đâu mà tìm với cái đầu đã mất hết hồn vía thế này. 
 
Tạm thời mình hãy ghi chi tiết về cả ba nàng, kèm theo ba lời tán tụng tột bậc. Như vậy, một là mình đáp lại được cảm tình nàng lớn tuổi đã cho mình, hai là mình cũng chứng tỏ với hai nàng nhỏ tuổi kia là: "thương ai thương cả đường đi", ba là nếu có dịp tìm được một nàng, mình sẽ đưa sổ này cho hai nàng kia xem. Khi tỏ trước thiện chí, họ phải đối lại bằng hảo cảm, đi đâu mà thiệt".
 
Nghĩ vậy, Sinh bèn cầm bút sửa chữ nhị thành tam, tức là thay vì ghi "hai" người quốc sắc thì đổi là "ba" người quốc sắc. Bên cạnh lại khoanh ba vòng son lớn, cùng tỉ mỉ ghi lại ngày tháng gặp mặt, dáng vẻ cùng màu áo sắc quần. 
 
Sửa xong, Sinh gấp sổ lại bỏ vào túi. Từ hôm ấy, Sinh không còn nhòm nhỏi gì đến các bà các cô đi lể tại miếu Trương Tiên. Họ có trông được hay không cũng mặc, Sinh lúc nào cũng tơ tưởng đến ba nàng kia thôi, suốt ngày kè kè cuốn sổ dạo khắp phố phường, nhưng bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm.
 
Sinh nghĩ thầm:"Tái Côn Lôn là người nhiều kiến thức nhất, lại thông thạo đường đất, sao mình không đi hỏi anh ấy. Có điều, anh ấy vốn có hứa là sẽ tìm cho mình một người. Mấy hôm nay không gặp, chắc là anh ấy đang lo chuyện này cho mình cũng không biết chừng. Bây giờ nếu mình đem chuyện ba cô ra nói, e rằng anh ấy sẽ nói mình tìm được chỗ ưng ý rồi anh ấy sẽ không lo chuyện kia nữa. Huống chi, với ba cô này, mình cũng không biết tên, biết họ, làm sao anh ấy có thể dò la cho mình được. 
 
Hay là mình cứ để bụng đã, đợi thêm ít hôm nữa, biết đâu anh ấy sẽ tìm được cho mình một người. Thứ gì khác còn sợ nhiều, chứ đàn bà đẹp dù là đôi ba chục cô cũng đâu có sao. Mình cứ ân ái với người đẹp đã, còn mấy người kia mìng sẽ ân ái sau, có muộn gì. Thế là từ hôm ấy, mỗi ngày cứ mở mắt ra là Sinh đi rong ở ngoài đường cầu mong có gặp được ai không hoặc ngồi đợi miết ở nhà. 
 
Một hôm đang đi ngoài đường, Sing gặp Tái Côn Lôn đằng kia đi lại. Sinh mừng rỡ chận lại hỏi:
 
"Chuyện hôm trước anh hứa với em sao không thấy hồi âm, hay là anh đã quên rồi?"
 
Tái Côn Lôn nói: "Sao quên được, lúc nào cũng canh cánh trong lòng. Chẳng qua người tầm thường thì đông, mà tranh tuyệt sắc cực hiếm. Ðã đi tìm một dạo và mới đây thấy được một người rồi, định đến bảo em biết thì vừa may gặp em đây".
 
Bán Dạ Sinh nghe vậy thì nói: "nói chuyện ngoài đường không tiện, mời anh đến chỗ trọ của em".
 
Hai người nắm tay nhau đi. Lúc về đến phòng trọ, họ đuổi gia đồng ra ngoài rồi khóa cửa phòng lại.
 
Không biết tạo hóa sẽ xui khiến vợ nhà ai gặp tên đàn ông ham chuyện ong bướm này, cũng không biết chồng nhà ai sẽ phải khổ sở vì tên gian phu ác nghiệt này. 
(Quả báo (Hồi 5))

Post a Comment

 
Copyright © 2013 Món ăn tinh thần | Powered by Blogger